Phát triển ngành nghề chế biến nông sản ở Công Lý
Những năm gần đây, ngành nghề chế biến nông sản phát triển mạnh trên địa bàn xã Công Lý (Lý Nhân). Các lĩnh vực chế biến khá đa dạng, gồm: sản phẩm từ lương thực, thực phẩm, thảo dược. Xã có 7 nông sản chế biến được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của 4 chủ thể, góp phần nâng cao giá trị và lợi nhuận trong sản xuất.
Các ngành nghề chế biến ở Công Lý đều phát triển cả về quy mô và số hộ tham gia. Nghề giò chả có 10 hộ sản xuất quy mô lớn, bình quân 5 - 7 tạ nguyên liệu/hộ/ngày. Sản phẩm chế biến nhiều chủng loại, từ giò nạc, giò pha đến nem chua, mọc, xúc xích, lạp xưởng… Điển hình như tại Cơ sở giò Hiền, thôn Phú Đa được đầu tư công nghệ tiên tiến, bình quân mỗi ngày cơ sở chế biến khoảng 1 tấn nguyên liệu và tăng gấp 2 – 3 lần vào dịp Tết Nguyên đán. Hiện Cơ sở giò Hiền có 4 sản phẩm OCOP, gồm: giò lụa, dăm bông, xúc xích và lạp xưởng. Cùng với tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, cơ sở còn mở rộng thị trường ra một số tỉnh, thành phố lân cận và cả khu vực phía Nam. Anh Nguyễn Văn Hiếu, chủ cơ sở cho biết: Chế biến giò, chả là nghề truyền thống của gia đình. Từ nhu cầu của thị trường, cơ sở mở rộng sản xuất với đa dạng các loại sản phẩm. Hiện, cơ sở đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể mở rộng thêm thị trường…
Trên địa bàn xã Công Lý còn có 2 cơ sở sản xuất và chế biến dược thảo, gồm: tỏi đen và đông trùng hạ thảo. Các cơ sở này áp dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm được công nhận OCOP. Như, HTX dược thảo Minh Đức, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo theo quy trình khép kín (từ nuôi trồng đến chế biến); sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo gồm: Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, trà đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo. Đây là những sản phẩm tiêu biểu được lựa chọn tham gia trưng bày, giới thiệu ở nhiều sự kiện, triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, nghề chế biến lương thực cũng đang phát huy hiệu quả trên địa bàn xã. Hiện tại, xã có khoảng 15 hộ làm bánh giầy giò, tập trung tại thôn Vương Bá. Mỗi ngày các hộ chế biến khoảng hơn 1 tấn nguyên liệu. Tại xã đã thành lập HTX bún phở khô Khánh Linh, ở thôn 3 - Phú Đa. Sản lượng sản phẩm bún, phở khô của HTX đạt 40 tấn/tháng, được cung cấp ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm phở khô Khánh Linh đã được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao. Theo ông Tạ Đức Võ, Giám đốc HTX, sản phẩm bún phở khô của HTX được người tiêu dùng đánh giá cao. Chỉ riêng thị trường trong tỉnh đã tiêu thụ đến 50% lượng sản phẩm sản xuất ra. Toàn bộ sản phẩm sau khi sản xuất đều được tiêu thụ hết, không có tình trạng tồn đọng.
Những năm qua, ngành nghề chế biến nông sản đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế trên địa bàn. Nhiều nguyên liệu từ trồng trọt, chăn nuôi được lựa chọn phục vụ chế biến thúc đẩy sản xuất phát triển. Trên diện tích hơn 260 ha lúa của xã, người dân hướng đến gieo cấy những loại giống lúa thuần năng suất cao phù hợp với chế biến... Ngành nghề chế biến nông sản chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của xã. Đồng thời, thu hút hàng trăm lao động địa phương có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 81 triệu đồng/người/năm, cao hơn bình quân chung của huyện Lý Nhân. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Công Lý, ngành nghề chế biến tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế, gắn kết với quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Được biết, cùng với phát triển ngành nghề chế biến, xã Công Lý đang hình thành vùng sản xuất nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Với sản xuất lúa, chỉ đạo các HTX nông nghiệp xây dựng những cánh đồng cấy cùng giống, cùng trà, hướng đến sử dụng phân bón hữu cơ tạo ra sản phẩm tập trung, chất lượng. Trong chăn nuôi lợn, Hội Nông dân xã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác nuôi lợn sạch với 10 thành viên, duy trì tổng đàn 1.500 con lợn thịt liên kết cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến giò, chả… Cũng như nhiều địa phương khác, Công Lý đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập tại chỗ cho người dân.