Phát triển ngành hàng Halal
Thị trường Halal với quy mô khổng lồ và nhu cầu ngày càng tăng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể và đa dạng hóa sản phẩm cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, để tiếp cận được với thị trường này, đòi hỏi các DN phải đảm bảo, chấp hành các quy định mà thị trường này đề ra. Ngành công thương An Giang đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Tín hiệu lạc quan
So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển sản phẩm cho thị trường Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ… Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…
Thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”, năm 2024, Sở Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận thị trường các nước Hồi giáo - Halal.
Theo đó, Sở Công Thương đã chuyển tiếp đến các DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của tỉnh những thông tin hữu ích về thị trường Halal. Cụ thể về thị trường du lịch, dược phẩm và mỹ phẩm Halal toàn cầu; chuyển động Halal Việt Nam; về 4 thị trường Halal: Qatar, Morocco, Ai Cập và Malaysia; thông tin Hội nghị Halal toàn quốc “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững”… Bên cạnh đó, cập nhật những quy định về chứng nhận Halal tại một số thị trường và các hội chợ, triển lãm lớn trong lĩnh vực Halal trên thế giới trong năm 2024. Đồng thời, thông tin về các DN có sản phẩm Halal xuất khẩu; các sản phẩm có hoặc đang chứng nhận Halal để tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại.
Hiện nay, các sản phẩm của tỉnh An Giang, chủ yếu là nông, thủy sản, như: Gạo, cá, rau quả đông lạnh đều đã tiếp cận thị trường Halal. Ngoài ra, đa số các DN xuất khẩu của tỉnh đã có chứng nhận Halal. Có 7/14 DN đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có chứng nhận Halal; 14/38 DN xuất khẩu thủy sản có chứng nhận Halal; 1 DN xuất khẩu rau quả có chứng nhận Halal. Theo Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (gạo, thủy sản, rau màu) sang các thị trường có đông tín đồ Hồi giáo, như: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ... đạt trên 15,3 triệu USD (tính đến tháng 11/2024), tăng 57% so cùng kỳ năm 2023.
Mở rộng thị trường tiềm năng
Halal trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “được phép” hay “hợp pháp” và được dùng để chỉ các quy chuẩn tôn giáo theo chuẩn mực, giá trị của người Hồi giáo theo kinh Koran và Luật Sharia. Theo tiêu chuẩn Halal, những sản phẩm, dịch vụ để được người Hồi giáo sử dụng bắt buộc phải tuân theo tiêu chuẩn Halal và phải đạt được chứng nhận Halal. Ngành công nghiệp Halal bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch, dược phẩm, mỹ phẩm, chất phụ gia thực phẩm, thực phẩm bổ sung, thuốc và vaccine, tài chính Hồi giáo, logistics, sản phẩm thuộc da, bảo hiểm, truyền thông...
Hiện nay, khu vực Trung Đông và Châu Phi đang được biết đến là khối thị trường giàu tiềm năng, có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Đây là cơ hội cho DN Việt Nam nói chung và DN tỉnh An Giang nói riêng xuất khẩu nông sản, thực phẩm, rau củ quả. Tuy nhiên, những rủi ro phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Châu Phi là về thanh toán. Nhiều đối tác trả chậm, không có khả năng thanh toán, rủi ro về tỷ giá.
Cùng với đó, Việt Nam chưa có cơ quan Nhà nước cấp chứng nhận tiêu chuẩn Halal, mà chỉ có một số tổ chức tư nhân. Mặt khác, do có nhiều hệ thống tiêu chuẩn Halal trên thế giới, nên các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam buộc phải làm việc với nhiều tổ chức chứng nhận Halal. Điều này làm tăng chi phí cấp chứng nhận, giảm sức cạnh tranh của mặt hàng xuất khẩu.
Để hỗ trợ cho các DN của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang các nước Hồi giáo, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ đề xuất, hỗ trợ, giới thiệu đơn vị có uy tín, đủ chức năng cấp giấy chứng nhận Halal có thể sử dụng chung khi xuất khẩu sang các quốc gia Hồi giáo. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN trong tỉnh kết nối giao thương trực tiếp với các đối tác nhập khẩu tiềm năng, đáng tin cậy để các DN của tỉnh tìm kiếm cơ hội mở rộng xuất khẩu.
Cùng với sự quan tâm của ngành chức năng, các DN trong tỉnh cần nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn Halal khắt khe. Đồng thời, chủ động kết nối tìm kiếm những cơ hội mới và từng bước khẳng định vị thế tại thị trường tiềm năng này.