Phát triển năng lực số cho HS, giáo viên là nền tảng chuyển đổi số giáo dục

Để chuyển đổi số trong giáo dục đi vào chiều sâu, cần cách tiếp cận hệ thống; trong đó, phát triển năng lực số cho HS, giáo viên là nền tảng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đình Tuệ.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đình Tuệ.

Sáng 18/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo triển khai thực hiện khung năng lực số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên. Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các đơn vị cục vụ thuộc Bộ; đại diện Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; lãnh đạo, chuyên gia đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.

Năng lực số trở thành năng lực cốt lõi, thiết yếu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh đến thuận lợi của bối cảnh với sự quan tâm bằng hành động mạnh mẽ, thiết thực của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với giáo dục, trong đó có hiện đại hóa giáo dục.

Theo Thứ trưởng, muốn nhanh, muốn hiện đại hóa phải từ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và sáng tạo, hợp tác quốc tế; bằng các chương trình, học liệu phù hợp, hiện đại… Tuy nhiên, nhanh nhưng phải bền vững; mà muốn bền vững phải đầu tư vào con người, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ thực tiễn quản lý giáo dục, khẳng định sự quan tâm triển khai xây dựng Khung năng lực số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên dù không được yêu cầu về thời hạn phải ban hành, Thứ trưởng cho biết:

Hiện nhiều Sở GD&ĐT, nhà trường đã chủ động kết nối với chuyên gia, với các tổ chức, cá nhân để tập huấn giúp giáo viên nâng cao năng lực số. Nhiều học sinh có điều kiện đã chủ động ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào học tập. Đó là lý do cần phải hết sức khẩn trương; và khi đưa vào trường học luôn có độ trễ nhất định nên cùng với việc khảo sát kỹ lưỡng cũng không nên quá cầu toàn.

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Tuệ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Tuệ.

 Chủ tọa hội thảo (từ trái sang): Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Thái Văn Tài; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức. Ảnh Trần Hiệp.

Chủ tọa hội thảo (từ trái sang): Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Thái Văn Tài; Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức. Ảnh Trần Hiệp.

Tại hội thảo, Thứ trưởng mong muốn lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia về giải pháp tổ chức triển khai Khung năng lực số cho học sinh tại các trường phổ thông; làm sao sớm đưa nội dung này vào trong nhà trường với tinh thần khẩn trương nhất, hiệu quả nhất. Cùng với đó là góp ý cho dự thảo Khung năng lực số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Phát biểu đề dẫn, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức cho biết:

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh ngành Giáo dục đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, lấy người học làm trung tâm và xây dựng hệ sinh thái giáo dục số bền vững, theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong những năm qua, chuyển đổi số trong giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, để quá trình này đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, chúng ta cần một cách tiếp cận hệ thống; trong đó, phát triển năng lực số cho học sinh, giáo viên được xác định là hai trụ cột nền tảng. Năng lực số không còn là kỹ năng bổ trợ mà đã trở thành năng lực cốt lõi, thiết yếu cho công dân trong thời đại cách mạng 4.0.

 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Đình Tuệ.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức báo cáo đề dẫn hội thảo. Ảnh: Đình Tuệ.

Chính vì vậy, hội thảo hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng khi cùng lúc tập trung vào hai nội dung cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục, đó là: Triển khai Khung năng lực số cho học sinh tại các trường phổ thông; xin ý kiến góp ý dự thảo Khung năng lực số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Việc triển khai Khung năng lực số cho học sinh trong các nhà trường giúp định hướng quá trình giáo dục, đánh giá và phát triển kỹ năng số một cách bài bản, phù hợp với từng cấp học.

Song song đó, năng lực số của đội ngũ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả giáo dục số trong nhà trường; nâng cao chất lượng dạy học, cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời đại số.

 Chuyên gia góp ý tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp.

Chuyên gia góp ý tại hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp.

Bảo đảm các nguyên tắc trong xây dựng khung năng lực số

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đánh giá cao việc triển khai kịp thời, nhanh chóng của Bộ GD&ĐT; khẳng định sự cần thiết triển khai thực hiện khung năng lực số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh.

Nhận định về 2 dự thảo (dự thảo hướng dẫn triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên; dự thảo khung năng lực số dành cho giáo viên), nhiều chuyên gia đánh giá, dự thảo đã dựa trên khung năng lực quốc tế nên bảo đảm tính hội nhập và khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Góp ý, các đại biểu, chuyên gia cho rằng cần tăng cường tính định lượng, yêu cầu cụ thể hơn; đồng thời tăng cường tích hợp liên môn, dạy học gắn liền với kiểm tra, đánh giá; đồng thời, phải có lộ trình thực hiện và phải có nguồn lực…

Riêng dự thảo hướng dẫn triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên, những trao đổi, thảo luận tập trung phương hướng, cách thức triển khai sao cho đồng bộ, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục. Nội dung cụ thể của dự thảo về mục đích, yêu cầu; nội dung, các hình thức tổ chức thực hiện phát triển năng lực số cho học sinh; tổ chức thực hiện... cũng được quan tâm góp ý.

Liên quan đến nội dung này, nhiều chuyên gia cũng khẳng định trọng trách lớn của môn Tin học trong triển khai Khung năng lực số cho học sinh và đưa giải pháp nâng cao vị thế môn Tin học trong nhà trường.

Với dự thảo Khung năng lực số cho giáo viên, đại biểu, chuyên gia quan tâm góp ý về mục đích xây dựng Khung năng lực số cho cán bộ quản lý, giáo viên; các nguyên tắc xây dựng khung năng lực này; dự kiến đề xuất khung năng lực số cho giáo viên…

Những ý kiến góp ý là cơ sở quan trọng để Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện khung năng lực số cho học sinh trong các trường phổ thông; hoàn thiện khung năng lực số cho giáo viên; đồng thời xây dựng lộ trình triển khai đồng bộ, hiệu quả và có chiều sâu trong thời gian tới.

 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: Trần Hiệp.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn và đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia. Thứ trưởng cũng đánh giá cao hai đơn vị đầu mối là Vụ Giáo dục phổ thông, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ tổ chức hội thảo và chuẩn bị các nội dung liên quan đến năng lực số cho học sinh, giáo viên…

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, các nguyên tắc trong xây dựng khung năng lực số được Thứ trưởng nhấn mạnh. Theo đó, đầu tiên cần đảm bảo tính pháp lý, tính khoa học, tính giáo dục, thực tiễn và hiệu quả; đảm bảo công bằng, cơ hội trong tiếp cận khung năng lực số và trí tuệ nhân tạo; có tính kế thừa, phù hợp với năng lực tiếp nhận và định hướng phát triển năng lực của học sinh, chuẩn nghề nghiệp giáo viên; hình thành được năng lực tự nghiên cứu, tự học, thực hành và hoạt động được trong môi trường số. “Tinh thần là nhanh, khẩn trương. Chúng ta hết sức thận trọng kỹ lưỡng nhưng không cầu toàn”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng yêu cầu 2 đơn vị đầu mối tiếp thu tối đa, phù hợp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo bảo đảm chất lượng.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-nang-luc-so-cho-hs-giao-vien-la-nen-tang-chuyen-doi-so-giao-duc-post727650.html
Zalo