Phát triển mạnh mẽ giao thông xanh

Để phát triển giao thông xanh, TP HCM cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện,...

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng không khí tại TP HCM đó là tình trạng giao thông đông đúc.

Nhiều đầu việc phải làm

Không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí, việc phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển mạnh mẽ đã khiến người dân TP HCM phụ thuộc nhiều vào xe cá nhân còn dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra.

Phát triển giao thông xanh là việc tất yếu phải làm và để thực hiện, TP HCM cần tiến hành đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, đối với đường sắt nên sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại; đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến, ga đường sắt hiện có, cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đối với đường bộ cần chuyển đổi sang sử dụng phương tiện thân thiện môi trường; phát triển hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, bến xe và nhà ga.

Đối với đường thủy, khuyến khích đầu tư đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Khuyến khích hoạt động đầu tư mới cảng thủy theo hướng phát triển xanh. Xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư mới cảng thủy xanh. Áp dụng thí điểm tại một số cảng thủy; nghiên cứu, đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh. Với hàng hải, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển các khu bến cảng Cần Giờ, Cát Lái, Hiệp Phước…, triển khai đề án phát triển cảng xanh. Thực hiện chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị tại các cảng hiện hữu, các thiết bị báo hiệu hàng hải sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương.

Đối với đường hàng không, TP HCM cần nghiên cứu sử dụng nhiên liệu thay thế để bổ sung một phần trong nhiên liệu hàng không. Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho tàu bay, phương tiện mặt đất và các trang thiết bị tại cảng hàng không. Hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đến Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để hạn chế ùn tắc giao thông. Thực hiện đồng thời toàn bộ các biện pháp tiềm năng của ngành hàng không để giảm phát thải CO2.

Phát triển mạnh mẽ giao thông xanh là đòi hỏi tất yếu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phát triển mạnh mẽ giao thông xanh là đòi hỏi tất yếu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tính toán kỹ nhu cầu phương tiện sử dụng điện

TP HCM cần sớm hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, kết hợp với các loại hình giao thông xanh như xe đạp và đi bộ cho các hành trình đầu và cuối của chuyến đi (hành trình từ điểm đi/đến nối với nhà ga/trạm xe buýt), ưu tiên các loại hình vận tải hành khách có khối lượng lớn như đường sắt đô thị; sớm hoàn thành các tuyến cao tốc, Vành đai 3, Vành đai 4, trục động lực… để kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối, các khu đô thị.

Phát triển hệ thống giao thông tĩnh, đặc biệt là các bãi đậu xe trong các đô thị trung tâm. Khuyến khích các đầu mối giao thông xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh. Thúc đẩy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu các phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện và năng lượng xanh.

Thành phố cần tính toán kỹ tốc độ tăng trưởng số lượng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố luôn ở mức cao (7,0%/năm), đặc biệt phương tiện cá nhân như xe máy (6,7%/năm), ô tô (9,8%/năm). Tăng trưởng phương tiện cơ giới cá nhân gấp nhiều lần tăng trưởng kết cấu hạ tầng: xe máy tăng trưởng gấp 5 lần tăng trưởng chiều dài đường bộ và 1,44 lần diện tích mặt đường; ô tô con gấp 7 lần tăng trưởng chiều dài đường bộ và 2 lần diện tích mặt đường. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2030 dự kiến sẽ có khoảng 12,2 triệu xe máy và 1,6 triệu ô tô. Theo mục tiêu đặt ra thì đến năm 2030 có khoảng 20% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh, như vậy có khoảng 165.000 ô tô sử dụng điện (50% dùng điện và 50% sử dụng năng lượng xanh). Để bảo đảm mục tiêu đề ra cần có sự đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, hạ tầng cung cấp điện cho trạm sạc.

Theo đó, cần ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vay vốn sản xuất/nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện, nguồn cung điện để trạm sạc hoạt động… Các công trình đầu tư mới hoặc cải tạo lại được phép xây trụ sạc mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các bến đầu, cuối, bến kỹ thuật của xe buýt điện cần hệ thống sạc rất lớn đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày; trạm biến áp sử dụng cũng phải là trạm biến áp trung áp. Dự kiến có khoảng 22 bến đầu, cuối và bến kỹ thuật của xe buýt. Hiện nay thành phố có khoảng 300 trạm sạc, như vậy cần bổ sung thêm tối thiểu là 1.400 trạm sạc nữa đến năm 2030.

Đến năm 2050, khi phương tiện giao thông chuyển hết sang sử dụng điện và năng lượng xanh thì đòi hỏi số lượng trạm sạc khá lớn, nếu tính mật độ 0,5 km2/trạm sạc thì cần khoảng 4.200 trạm sạc.

ThS PHẠM THỊ THÙY LINH, Học viện Chính trị khu vực II

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-trien-manh-me-giao-thong-xanh-196241002205130051.htm
Zalo