Phát triển kinh tế tuần hoàn: Chính sách hỗ trợ chưa thiết thực

Phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho doanh nghiệp, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển theo mô hình này đang đối mặt với sự thiếu thốn về chính sách hỗ trợ, hạ tầng kỹ thuật...

 Dây chuyền sản xuất giấy tại Công ty Giấy Thuận An. Ảnh: MINH HẢI

Dây chuyền sản xuất giấy tại Công ty Giấy Thuận An. Ảnh: MINH HẢI

Xanh hóa, giảm chất thải

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp (DN) như Vinamilk, Nestlé Việt Nam, Công ty giấy Thuận An, Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam... đẩy mạnh phát triển theo mô hình KTTH thông qua các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, nước thải, khí thải.

Ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại, Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam, cho biết, công ty đã thực hiện đổi mới, cải tiến bao bì nhằm giảm lượng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái sinh; chuyển đổi sang bao bì dễ phân hủy. Đối với bao bì nhựa, nước đóng chai Aquafina có bao bì nhẹ nhất thế giới, chỉ 11gr và trà đóng chai nhẹ nhất châu Á, chỉ 13gr. Chuyển đổi này đã giúp công ty giảm 23% lượng nhựa so với trước đây.

Thông qua các sáng kiến xanh trong sản xuất, công ty đã giảm khoảng 5.700 tấn nhựa nguyên sinh mỗi năm, tương đương giảm 23.000 tấn CO2 thải ra môi trường.

Phát triển bền vững là một trong những chiến lược quan trọng và nhiều công ty đã tiên phong thực hiện từ hơn 15 năm qua. Ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc đối ngoại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, năm 2023, Vinamilk đã công bố cam kết và lộ trình tiến đến Net Zero vào năm 2050.

Các nhà máy và trang trại Vinamilk thực hiện đồng bộ những giải pháp về công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, vận dụng KTTH với mục tiêu không còn gì bị loại bỏ. Hiện nay, khoảng 85% lượng nước thải trong chăn nuôi bò xử lý đạt chuẩn được tuần hoàn và tái sử dụng trong trồng trọt; 92% lượng khí thải dư thừa được hệ thống tuần hoàn nhiệt thu hồi và tái sử dụng. Thực hiện các sáng kiến xanh đã giúp công ty giảm được 3% lượng CO2/tấn sản phẩm; tiết kiệm khoảng 877.125kW điện trong năm 2023.

KTTH đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, môi trường và xã hội. Phát triển KTTH là một hành trình dài và khó khăn, đòi hỏi nỗ lực chung tay của tất cả các bên liên quan mới có thể thực hiện được. Trong đó cần phải vượt qua các thách thức về thể chế, hạ tầng, công nghệ và văn hóa, làm sao để mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp thực sự xem chất thải là tài nguyên; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm có hại cho môi trường

- PGS-TS NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn

Đại diện Công ty CP Sữa TH true Milk chia sẻ, từ năm 2022, công ty đã triển khai chiến dịch thường niên “thu gom vỏ hộp - lan tỏa sống xanh” tại hệ thống bán lẻ. Năm 2023, hệ thống các cửa hàng của TH true Milk đã thu gom gần 1,9 tấn bao bì, tăng 72% so với năm trước đó. Tiếp tục các hành động thúc đẩy tái chế, khai thác nguồn tài nguyên từ rác thải nhựa, tháng 9-2023, công ty phối hợp với Quỹ Vì tầm vóc Việt và Công ty nhựa Tương lai xanh tài trợ hoàn thiện điểm trường mầm non ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Điểm đặc biệt ở ngôi trường này là 50% thành phần của mỗi viên gạch/ngói của ngôi trường được tái chế từ 45 tấn nhựa. Ước tính mỗi năm, công ty giảm hơn 600 tấn nhựa nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp sản xuất và tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường.

Cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách liên quan đến KTTH còn chưa hoàn thiện, thống nhất và chưa thật cụ thể, thiết thực. Theo các doanh nghiệp lẫn giới chuyên gia môi trường, để thúc đẩy tốt hơn KTTH các chính sách cần sớm được cụ thể hóa.

 Sản xuất nước uống đóng chai tại Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam

Sản xuất nước uống đóng chai tại Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam

Ông Đỗ Thái Vương phân tích, hệ thống pháp luật hiện nay có nhiều rào cản khi thực hiện KTTH. Đó là, bao bì làm từ vật liệu tái sinh chưa nhận được nhiều hỗ trợ tài chính để mở rộng và tạo tác động lâu dài.

Cụ thể, theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT quy định về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với bao bì (EPR), định mức chi phí tái chế cho vật liệu rPET (nhựa tái sinh) và PET (nhựa nguyên sinh) áp dụng cùng một mức giá là 1.979 đồng/kg. Cần phải có sự khác biệt trong việc định mức chi phí rPET và PET để khuyến khích việc sử dụng rPET, qua đó ghi nhận nỗ lực sử dụng bao bì nhựa tái sinh của doanh nghiệp, sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp lẫn thị trường thu gom, tái chế.

Chung nhận định, ông Arghya Mandal, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa TH true Milk, nói, quy định EPR hiện chưa thực sự rõ ràng, còn khoảng cách để mở rộng áp dụng cho toàn nền kinh tế. Việc thu gom, vận chuyển các chất thải nông nghiệp, sản phẩm đã qua sử dụng để tái chế đòi hỏi các giải pháp logistics phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, không phải địa phương nào cũng có đủ hạ tầng để xử lý và tái chế chất thải theo mô hình tuần hoàn. Điều này khiến việc triển khai KTTH ở quy mô lớn gặp nhiều trở ngại.

Do vậy, cần có những chính sách cụ thể hơn từ Chính phủ để khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình sản xuất tuyến tính sang mô hình tuần hoàn. Điều này không chỉ bao gồm chính sách hỗ trợ tài chính mà còn thiết lập các tiêu chuẩn về kỹ thuật, quy trình sản xuất để doanh nghiệp có thể vận hành hiệu quả hơn mô hình này.

Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thị Phương Hoa, Bộ TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp để triển khai các chính sách và chương trình nhằm hỗ trợ hoạt động phân loại rác tại nguồn theo quy định, hướng tới thu gom, tái chế hiệu quả.

Bộ TN-MT cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của việc tái chế, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Điều này rất quan trọng để góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

MINH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-chinh-sach-ho-tro-chua-thiet-thuc-post769872.html
Zalo