Phát triển kinh tế thị trường gắn thực hiện các mục tiêu xã hội

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ Biên tập của Tiểu ban kinh tế-xã hội, Đại hội Đảng lần thứ XIV đã làm rõ hơn những định hướng chính trong đường lối đổi mới kinh tế của Đảng để lãnh đạo đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hoàn thiện thể chế được coi là “đột phá của đột phá”

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, trong văn kiện Đại hội Đảng XIV, đâu là những định hướng chính về đường lối đổi mới kinh tế của Đảng để lãnh đạo đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030 là văn kiện quan trọng của Đại hội XIV, hiện đang trong quá trình hoàn thiện và xin ý kiến đại hội đảng các cấp. Báo cáo này có nhiều nội dung mới, đột phá về phát triển kinh tế nhằm đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: ANH TUẤN

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: ANH TUẤN

Đó là định hướng phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả của nền kinh tế trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài.

Quyết tâm đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong giai đoạn tới và duy trì trong dài hạn. Yêu cầu này đặt ra từ mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế-xã hội mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Kinh nghiệm của một số nước phát triển đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình cho thấy, để trở thành nước có thu nhập cao, các quốc gia này đều trải qua các giai đoạn dài trong lịch sử có mức tăng trưởng cao, có thể lên tới hai con số như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp mới nổi. Hình thành và phát triển nhanh một số cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa và các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao trong một số ngành công nghiệp quan trọng, ưu tiên. Hình thành và phát triển các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do tầm cỡ khu vực và quốc tế. Xây dựng các trung tâm logistics lớn gắn với các cảng biển, cảng hàng không trung chuyển quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, các cửa khẩu quốc tế lớn. Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng chuyên canh hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, địa phương. Đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

Một trong những định hướng quan trọng khác đó là phối hợp đồng bộ, hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao. Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; lấy nguồn lực nhà nước khơi dậy, dẫn dắt nguồn lực xã hội.

Có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư bằng chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua các quỹ đầu tư và cung cấp kết cấu hạ tầng. Tháo gỡ vướng mắc cho thị trường vốn, thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); quan tâm phát huy các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Áp dụng linh hoạt trần nợ công để tăng thêm nguồn lực phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng.

Thêm vào đó, để đạt được mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn nhiều yếu tố khó khăn, đòi hỏi phải tập trung thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược mà các kỳ đại hội đảng đã xác định, trong đó giai đoạn tới hoàn thiện thể chế phát triển được coi là “đột phá của đột phá”. Tiếp tục nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giảm bớt sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào thị trường. Đẩy nhanh xây dựng và hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, khu thương mại tự do...

Hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập quốc tế; từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xóa bỏ triệt để cơ chế “xin-cho”. Cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ hạnh phúc của nhân dân

PV: Với mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một nước phát triển vào giữa thế kỷ 21, Bộ trưởng cho rằng cần tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên nào để bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Với mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21, để bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững, duy trì sự cân bằng giữa phát triển kinh tế thị trường và thực hiện các mục tiêu xã hội, theo chúng tôi, mọi chủ trương, chính sách đều phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng và hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển; đồng thời phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm.

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10. Ảnh: MINH ĐỨC

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10. Ảnh: MINH ĐỨC

PV: Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể về định hướng phát triển trụ cột xã hội và môi trường?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đối với nhiệm vụ xã hội, cần hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của nhân dân. Phát triển văn hóa, xã hội, gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế; coi trọng phát triển văn hóa, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế. Tiếp tục xây dựng, triển khai hệ giá trị quốc gia văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, hiện đại, thích ứng linh hoạt. Điều chỉnh cách tiếp cận về an sinh xã hội từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân. Thực hiện tốt các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; phát triển thanh niên; bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Đối với nhiệm vụ môi trường, các giải pháp cần hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, phấn đấu đưa mức phát thải ròng của quốc gia về “0” vào năm 2050. Tăng cường huy động nguồn lực từ các định chế, cơ chế tài chính toàn cầu; phát triển thị trường tín chỉ carbon, quan tâm thị trường tín chỉ carbon từ rừng và từ lúa chất lượng cao. Phát triển hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt kết hợp tái chế, thu hồi năng lượng.

Quyết liệt xử lý tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị thông qua phát triển giao thông công cộng, loại bỏ dần phương tiện giao thông gây ô nhiễm chuyển sang các phương tiện thân thiện với môi trường và phát triển các công trình xanh, nâng diện tích cây xanh. Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Xây dựng, củng cố hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

PV:Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-kinh-te-thi-truong-gan-thuc-hien-cac-muc-tieu-xa-hoi-811192
Zalo