Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả
Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...
Nâng giá trị
HTX Nước mắm truyền thống Phú Thuận (huyện Phú Vang) hiện có 10 thành viên, đều là những hộ sản xuất có chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.
Được thành lập từ năm 2019, HTX là mô hình kinh tế tập thể mở ra hướng đi mới cho làng nghề truyền thống ở địa phương; liên kết được các hộ làm nước mắm riêng lẻ và xây dựng thương hiệu, sản xuất nước mắm theo tiêu chuẩn, góp phần nâng cao giá trị cho nước mắm truyền thống ở Phú Thuận.
Không chỉ cải tiến mẫu mã, hình thức, nhiều sản phẩm nước mắm của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao và có tiềm năng đạt 5 sao, như nước mắm cá Như Ý, nước mắm Lú Huế... Đó cũng là những thương hiệu mà HTX đã xây dựng được, góp phần khẳng định thương hiệu của nước mắm truyền thống Phú Thuận trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn An Dương, thành viên HTX, chủ thương hiệu nước mắm cá Như Ý chia sẻ: Từ khi tham gia mô hình kinh tế HTX, ngoài chất lượng sản phẩm, tôi chú trọng hơn về mẫu mã cũng như biết cách bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, khi sản phẩm được cấp giấp chứng nhận OCOP, tôi cũng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc hiện đại để hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Không những thế, cái lợi khi tham gia HTX là các thành viên cùng nhau kết nối, chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Bé Ba, Giám đốc HTX Nước mắm truyền thống Phú Thuận cho biết: Khi những sản phẩm truyền thống của chúng tôi được đăng ký nhãn hiệu, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... thì các thành viên HTX cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu do mình đã dày công gây dựng nên. Việc HTX tổ chức lại quy mô sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư thêm máy móc hiện đại... cũng góp phần nâng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khi các thành viên HTX liên kết với nhau, họ sẽ có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Chính điều này đã giúp kinh tế của các thành viên HTX ngày càng phát triển.
Đồng hành
Bắt đầu từ nền tảng sẵn có là nghề sản xuất trầm của gia đình, nhưng để theo kịp với xu thế của thị trường, đáp ứng thị hiếu của khách hàng và thành lập Công ty TNHH Bách Nghệ Búp Sen (Thủy Biều, TP. Huế, thành viên Liên minh HTX) có chỗ đứng như hiện nay thì Bách Nghệ Búp Sen đã chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm và cách tiếp cận khách hàng mới.
Sản phẩm chất lượng và an toàn là điều mà Công ty TNHH Bách Nghệ Búp Sen luôn hướng đến. Ngoài những sản phẩm truyền thống như nhang trầm, chuỗi hạt, Bách Nghệ Búp Sen còn cho ra đời nhiều mặt hàng mới, như: Tượng trầm, bút trầm hương điêu khắc tên, quạt trầm hương, móc khóa… Kinh nghiệm nhiều năm với nghề sản xuất trầm và sẵn nguồn nguyên liệu chuẩn trầm Huế, các sản phẩm của Bách Nghệ Búp Sen đã nhận được sự ủng hộ và phản hồi tích cực từ khách hàng. Với việc mở rộng quy mô bài bản hơn, các sản phẩm được Liên minh HTX quảng bá, giới thiệu cũng đã góp phần giúp Công ty TNHH Bách Nghệ Búp Sen nâng cao giá trị sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX phát triển, như: Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn liên quan đến việc đăng ký nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin để các thành viên HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức cho người dân và hệ thống chính trị về phát triển kinh tế tập thể, HTX theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; tuyên truyền các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Liên minh HTX tỉnh cũng làm việc với các HTX, chính quyền cấp xã nhằm củng cố lại một số HTX, trọng tâm là tổ chức lại bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; tư vấn cho HTX thực hiện hồ sơ vay vốn; xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm; làm hồ sơ thủ tục để được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm...
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Sàn kinh tế hợp tác và phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm HTX. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức và hỗ trợ cho 30 lượt HTX tham gia, giới thiệu hàng trăm mặt hàng từ các ngành nghề truyền thống và những sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc sắc của tỉnh tại Festival Huế 2024, Hội chợ xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX năm 2024 tại Hà Nội, các tỉnh miền Trung...
Hiện nay, toàn tỉnh có 319 HTX, trong đó thành lập mới 9 HTX. Các HTX đã chủ động đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên doanh, liên kết, áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển phù hợp với xu hướng của xã hội.