Phát triển kinh tế số từ di sản
Hà Nội có lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển kinh tế số từ nguồn di sản lớn này.
Có lịch sử hơn 2.300 năm, đình Chèm ở quận Bắc Từ Liêm không chỉ mang những giá trị văn hóa lịch sử, tín ngưỡng tâm linh, mà còn được biết đến với thiết kế độc đáo. Ngôi đình cổ kính đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, đình vẫn chưa thực sự được khai thác hết giá trị và tiềm năng.
Hà Nội hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa với gần 6.000 di tích. Làm sao để biến di sản thành tài sản? Bài toán này cần một nước đi dài hơi. Ứng dụng công nghệ để từ đó phát triển kinh tế số. Đây là một trong những hướng đi mà Hà Nội đang lựa chọn. Bài học từ việc ứng dụng công nghệ cao 3d mapping vào hệ thống di sản quý giá tại Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho thấy hướng đi này là đúng đắn.
Phát triển kinh tế số từ di sản - đây là hướng đi được cho là bền vững và phù hợp xu thế. Để thực hiện được điều này, mỗi địa phương đều phải lựa chọn thế mạnh làm chiến lược để bứt phá. Khi đã xác định được điều đó, việc thu hút nguồn lực xã hội cùng chung tay phát triển sẽ thuận lợi hơn.
Đất nước đang bước vào “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Điều đó đòi hỏi mỗi địa phương đều phải lựa chọn thế mạnh làm chiến lược để “bứt phá và cất cánh”. Với khối lượng di sản khổng lồ, đây sẽ là nguồn lực lớn để Hà Nội bứt phá trong phát triển công nghiệp văn hóa.