Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Kon Tum
Những năm qua, Thành ủy Kon Tum đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, nhất là quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Lễ hội cồng chiêng, múa xoang tại thành phố Kon Tum
Thành phố Kon Tum là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và là vùng kinh tế động lực số 01 của tỉnh. Diện tích tự nhiên là 43,298 km2; dân số khoảng 197.778 người, trong đó DTTS chiếm khoảng 31%; có 10 phường và 11 xã với 154 thôn (làng), tổ dân phố (trong đó có 60 làng đồng bào DTTS). Đa số người đồng bào DTTS trên địa bàn sống bằng nghề nông như: trồng lúa nước, mía, cà phê, các loại cây ăn trái xen canh như mít, xoài, sầu riêng, mắc ca… chăn nuôi bò, lợn, dê, gà... ngoài ra còn có một số ngành nghề đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu ghè... để mang lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Xác định được tình hình trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 Thành ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 06-7-2021 về thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Kon Tum. Trong đó, Nghị quyết đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Sau khi ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 06-7-2021 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, Thành ủy Kon Tum đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị địa phương triển khai thực hiện. Trong đó phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phải thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, nhất là loại bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu, biết cách tổ chức lao động sản xuất, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống,... để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Lễ ra mắt một Hội quán
Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã, phường phải tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhất là hướng dẫn người dân theo phương châm “cầm tay chỉ việc” để đồng bào DTTS tự lực vươn lên; tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước, tình trạng lười lao động, uống rượu, bia bê tha,...; hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng, kiến thức cho người đồng bào DTTS sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn vay, sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội để phát triển kinh tế, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất, biết triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, của cán bộ, đảng viên ở cơ sở, khu dân cư; các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất; các cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong cộng đồng là lực lượng xung kích, đầu tàu trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong quá trình triển khai phải tổ chức đi học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, tạo điều kiện cho các hộ dân được học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Kịp thời phổ biến các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương đồng bào DTTS điển hình trong lao động sản xuất và động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quá trình triển khai thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người đồng bào DTTS tập trung phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đặc biệt tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần tại nhà rông các thôn (làng), tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa không dây của địa phương. Qua đó, nhận thức của người DTTS đã thay đổi rõ nét, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Số hộ đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững: 12.145 /12.291 hộ, đạt tỉ lệ 98,8%. Trong đó hộ DTTS nghèo và cận nghèo: 1.031/ 1.177 hộ, đạt tỉ lệ 87,6%. Số hộ DTTS biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất: 12.165/12.291 hộ, đạt tỉ lệ 98,9%. Số hộ DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện: 12.102/12.291 hộ, đạt tỉ lệ 98,5%. Số hộ DTTS tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã: 391/12.291 hộ, đạt tỉ lệ 3,2%.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Y Hồng Hà trao khen thưởng tại Hội nghị
Đến nay, thành phố có 04 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận: Làng du lịch Kon Klor, phường Thắng Lợi; Điểm du lịch A Biu, Plei Klech, xã Ngok Bay; Làng du lich cộng đồng Kon Kơ Tu và Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa. Có 13/28 thôn (làng) đồng bào DTTS được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vùng DTTS theo Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18-2-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 100% hệ thống đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa, thuận lợi cho việc lưu thông sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ hộ nghèo duy trì dưới 1%, hộ cận nghèo còn dưới 2%. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, khôi phục, bảo tồn, như nhà rông truyền thống, dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, cồng chiêng, múa xoang…
Ngoài ra, thành phố kêu gọi, xúc tiến, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch quy mô lớn. Nổi bật là các hoạt động chào mừng 15 năm thành lập thành phố, Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS thành phố Kon Tum lần thứ II, Liên hoan sắc màu thổ cẩm lần thứ III, Liên hoan ẩm thực và trình diễn trang phục thổ cẩm ... thu hút gần 500.000 lượt khách du lịch đến thành phố tham quan, trải nghiệm; riêng trong năm 2024, các điểm du lịch cộng đồng đã thu hút được trên 150.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm khoảng 7-10%.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa trên địa bàn, trong thời gian tới thành phố sẽ tập trung hoàn thiện đồ án quy hoạch với 9 khu du lịch lớn, nhỏ, tổng diện tích khoảng 3.680 ha, tiếp tục đâu tư, xây dựng để công nhận Làng du lịch Plei Weh, xã Ia Chim. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, lấy du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp homestay và du lịch tâm linh làm trọng tâm; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển tour tuyến với các địa phương trong khu vực và cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Y Ngọc trao Quyết định công nhận làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Y Hồng Hà cho biết: “Việc chăm lo phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đến nay, thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn trên địa bàn thành phố khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể”.
Có thể nói rằng, qua 04 năm thực hiện Nghị quyết, với sự đoàn kết, đồng lòng, tinh thần, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị đã đem lại kết quả to lớn trong nhận thức và hành động, giúp người đồng bào DTTS thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng.