Phát triển khoa học công nghệ không dành cho riêng ai

Tại buổi họp Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng lần thứ 14 vào sáng 13-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan xây dựng dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng cần đề cập nội dung đảm bảo 3-5% tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ.

Nếu tính theo mức dự chi ngân sách của năm 2024 thì 3-5% sẽ tương đương 63.600-105.950 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn nếu so sánh với số 15.212 tỉ đồng ngân sách trung ương chi cho khoa học công nghệ trong năm 2023.

Tăng cường chi tiêu để phát triển khoa học công nghệ là việc cần làm, nhưng điều đó không có nghĩa là cứ chi ra càng nhiều thì kết quả thu lại sẽ càng lớn, mà có khi càng tăng chi tiêu thì càng lãng phí. Vì vậy, cần chọn lọc mục tiêu để ưu tiên đầu tư cũng như tạo ra cơ chế chính sách, để thông qua nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, có thể thu hút mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển khoa học công nghệ.

3-5% tổng chi ngân sách hàng năm là số tiền không nhỏ, nhưng chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu của cả một quốc gia. Vì vậy, việc xác định mục tiêu cần ưu tiên đầu tư là rất quan trọng.

Muốn phát triển khoa học công nghệ thì điều kiện tiên quyết là phải có cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác nghiên cứu. Đó là hệ thống các phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác thử nghiệm. Vì vậy, mục tiêu cần ưu tiên trước tiên là Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để hình thành các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Các phòng thí nghiệm này tốt nhất là nên giao cho các đại học hay viện nghiên cứu quản lý sử dụng. Nhà nước cũng cần đầu tư, mua bản quyền để xây dựng hệ thống dữ liệu khoa học và công nghệ để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Đồng thời cũng cần đầu tư xây dựng các cơ sở thử nghiệm.

Mục tiêu cần làm tiếp theo là tạo ra cơ chế để thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, các sinh viên tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Vấn đề rất quan trọng nữa là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ khi những tài sản trí tuệ của các tổ chức cũng như nhà nghiên cứu được bảo hộ một cách nghiêm khắc và chặt chẽ, để nhà khoa học có thể làm giàu trên tài sản trí tuệ của mình thì khoa học và công nghệ mới có động lực phát triển.

Cơ hội tiếp cận được nguồn vốn của Nhà nước dành cho khoa học công nghệ cũng như hỗ trợ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng cần được tính đến. Do đó, Chính phủ cần có cơ chế để khu vực tư nhân cũng có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước, tránh việc chỉ có doanh nghiệp Nhà nước hay các đại học và cơ sở nghiên cứu của nhà nước mới tiếp cận được nguồn vốn này. Đồng thời, các chương trình đầu tư, chi tiêu của Chính phủ cũng cần ưu tiên sử dụng sản phẩm được thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu trong nước.

Sau cùng, giải quyết các nhu cầu phát triển của nền kinh tế không thể chỉ dựa trên công nghệ tự sáng tạo, mà còn có thể thực hiện thông qua chuyển giao công nghệ hoặc mua lại bằng sáng chế của các tổ chức nước ngoài. Đây cũng là việc mà các tổ chức và doanh nghiệp cần nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-khong-danh-cho-rieng-ai/
Zalo