Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo:Tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng sức sáng tạo

Tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhiều điểm nghẽn trong các hoạt động khoa học và công nghệ đã được nêu ra, trong đó nổi lên thực tế là các nhà khoa học phải mất hơn 50% thời gian cho các thủ tục hành chính; 'chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu'...

Những vấn đề này sẽ dần được hóa giải với những chủ trương, chính sách lớn, đột phá của Đảng, Nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.

“Điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cơ chế tài chính

Có 3 rào cản chính trong cơ chế nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, đó là cơ chế xét duyệt đề tài, cơ chế triển khai nghiên cứu và cơ chế về thủ tục tài chính. Trong đó, “điểm nghẽn của điểm nghẽn” chính là cơ chế tài chính phức tạp về thanh quyết toán.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, việc xây dựng dự toán, phê duyệt, rồi đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho tới khi kết thúc dự án nghiên cứu, các bộ hồ sơ thanh toán "nhiều khủng khiếp”. PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, cơ chế tài chính với nhiều bất cập, rào cản khiến khoa học và công nghệ không có đột phá dù luôn được đặt ở vị trí “quốc sách”.

Chia sẻ về những khó khăn mà các nhà khoa học gặp phải khi làm các đề tài nghiên cứu lớn, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Trong bộ hồ sơ quyết toán nộp cho bộ phận kiểm soát tài chính, ngoài các chứng từ hóa đơn, đôi khi còn buộc nhà khoa học phải nộp luôn phiếu điều tra, biểu ghi chép số liệu, bản đồ, thuyết minh khoa học, bản in các bài báo, bài trình bày… Do vậy, mới có tình trạng “chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu” như Thủ tướng Chính phủ từng đề cập”.

Nguyên nhân của điểm nghẽn này bắt nguồn từ việc cấp kinh phí cho các đề tài, dự án khoa học và công nghệ như đầu tư cho xây dựng cơ bản, tức là phải theo kế hoạch của năm tài chính. Cụ thể là các đề tài, dự án khoa học và công nghệ hằng năm sẽ được phê duyệt về nội dung, sản phẩm, kinh phí, tổng hợp thành danh mục dự án vào dự toán ngân sách của Chính phủ, trình Quốc hội thông qua và Thủ tướng sẽ giao dự toán vào đầu năm tiếp theo. Cơ chế cấp phát ngân sách như đầu tư công trong xây dựng cơ bản, kèm theo định mức chi quá thấp, chậm thay đổi khiến các đề tài phải chờ đợi nhiều năm để được cấp kinh phí.

Các quốc gia phát triển thường áp dụng cơ chế quỹ khoa học và công nghệ trong cấp kinh phí. Với cơ chế này, tiền luôn được bố trí chờ đề tài và đề tài được phê duyệt bất cứ thời điểm nào trong năm. Cơ chế quỹ cũng cho phép nếu kinh phí bố trí cho năm trước chưa sử dụng hết, sẽ được tự động chuyển sang năm sau và cho phép quyết toán một lần khi nghiệm thu, thanh lý hợp đồng nghiên cứu. Cùng với cơ chế quỹ là cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng để đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ chế quỹ vẫn chưa được áp dụng dù đã được quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Hành lang pháp lý về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cũng được ban hành năm 2024, kể cả thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ về khoán chi, nhưng hầu như rất ít đề tài được thanh toán theo cơ chế này. Nguyên nhân là do Luật Ngân sách nhà nước sau nhiều lần sửa đổi vẫn không bổ sung nội dung quy định về cơ chế quỹ khoa học và công nghệ nên không thể triển khai...

Hướng tới sản phẩm đầu ra về khoa học và công nghệ

Trước những vấn đề nêu trên, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã mang đến những đột phá mạnh mẽ trong hoạt động này, trong đó có thay đổi cách quản lý tài chính công. Cụ thể, cơ chế quản lý tài chính sẽ chuyển sang hướng đầu tư dựa trên kết quả đầu ra, thay vì kiểm soát chứng từ như hiện nay. Nhà nước sẽ trở thành “nhà đầu tư công” với các mục tiêu rõ ràng, gắn với KPI (đo lường doanh thu) sản phẩm.

PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) kỳ vọng, khi cơ chế này được thực thi, những rào cản về tài chính và thủ tục hành chính sẽ được gỡ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu và sáng tạo, thay vì bị cuốn vào việc hoàn thiện chứng từ như hiện nay.

Khi điểm nghẽn về quy trình quản lý hiện nay được tháo gỡ, cơ chế quản lý tài chính hướng tới sản phẩm đầu ra về khoa học và công nghệ hơn là hướng tới chứng từ thì nhiều người có thể làm khoa học và công nghệ (khoa học mở). Các nhà khoa học, doanh nghiệp và các nhà quản lý kết hợp với nhau tạo nên các hệ thống đổi mới sáng tạo khác nhau trong các ngành và trong các vùng miền, khi đó kinh tế sẽ phát triển theo hướng kinh tế sáng tạo và kinh tế đổi mới sáng tạo.

“Tôi nghĩ điều này sẽ trả lại đúng bản chất của đổi mới sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ”, PGS.TS Vũ Văn Tích phân tích.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-thao-go-diem-nghen-giai-phong-suc-sang-tao-692287.html
Zalo