Phát triển kết cấu hạ tầng - đảm bảo nhanh, bền vững

Xác định hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, sức mạnh nội sinh, tỉnh đưa công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được triển khai, áp dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Huy động và bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng

Tuy kết cấu hạ tầng của tỉnh những năm qua có bước phát triển, song vẫn còn những hạn chế như: quy hoạch chưa đồng bộ, tiến độ một số công trình chậm…, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm từng bước khắc phục điểm nghẽn, nút thắt, ngày 11/11/2021, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tập trung tạo bước đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư một số công trình trọng điểm tạo động lực cho sự phát triển. Với tổng nhu cầu vốn đầu tư hơn 45.778 tỷ đồng, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tỉnh tăng cường khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, huy động xã hội hóa các công trình công cộng, dịch vụ, tiện ích xã hội. Đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi khi doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án xây dựng kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có tính chất lan tỏa.

Dự án bảo tàng tỉnh với thiết kế hiện đại, độc đáo là điểm đến văn hóa của tỉnh.

Dự án bảo tàng tỉnh với thiết kế hiện đại, độc đáo là điểm đến văn hóa của tỉnh.

Đẩy mạnh kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ phát triển hạ tầng, tỉnh tổ chức và tham gia nhiều hoạt động xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư của tỉnh; tuyên truyền các dự án kêu gọi đầu tư tại các cuộc gặp mặt, trao đổi, làm việc trực tiếp với nhà đầu tư. Tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư với các đối tác trong nước và quốc tế; phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị Giới thiệu Cao Bằng “Điểm đến - kết nối và phát triển”. Tổ chức chương trình xúc tiến điểm đến “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên” nhằm tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các giá trị văn hóa bản địa, sản phẩm du lịch mới, đặc sắc của tỉnh, tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối du lịch và tìm kiếm, thu hút các nguồn đầu tư vào tỉnh... Song song với kêu gọi nguồn lực, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động vốn được tỉnh ban hành một cách đồng bộ. Ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, gồm 102 dự án thuộc 8 lĩnh vực đầu tư để làm cơ sở mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, dự án có tính khả thi cao và phù hợp với quy hoạch tại tỉnh. Trong đó, lĩnh vực phát triển đô thị 40 dự án, lĩnh vực giao thông 10 dự án, lĩnh vực cửa khẩu 4 dự án, lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ 16 dự án. Đến nay, tổng nguồn vốn giải ngân đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng nhu cầu vốn giai đoạn và đạt trên 80% tổng kế hoạch vốn được giao của Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng.

Tạo bước đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải luôn “đi trước một bước”, với tầm nhìn xa, tỉnh tăng cường nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu để nền kinh tế có điều kiện tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đây là dự án thuộc danh mục công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông - vận tải và tỉnh, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn nói riêng. Đến cuối tháng 11/2024, 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn bàn giao 93,14/93,35 km. Các nhà thầu hiện đang huy động hơn 1.000 nhân sự và hơn 350 máy móc thiết bị triển khai 26 mũi thi công với nhiều hạng mục cầu, hầm, cống; huy động 36 mũi thi công (19 mũi thi công đường, 15 mũi thi công cầu và 2 mũi thi công hầm). Ngày 26/11/2024, ống hầm đầu tiên trên tuyến cao tốc (hầm Đông Khê) đã được thông hầm, vượt 3 tháng so với tiến độ đề ra. Đến nay, dự án giải ngân trên 800 tỷ đồng, đạt trên 42% kế hoạch vốn năm 2024; hướng tới mục tiêu thông tuyến vào năm 2025.

Các dự án phát triển hạ tầng giao thông được quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện 18 dự án đầu tư nâng cấp các tuyến đường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác phát triển giao thông nông thôn được chú trọng triển khai trên khắp địa bàn tỉnh, thực hiện đồng bộ, hiệu quả với 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Tỷ lệ chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường 63% (đạt 74,1% so với mục tiêu kế hoạch đến năm 2025); 154/161 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa, đạt 95,65% (đạt 95,65% so với mục tiêu kế hoạch đến năm 2025). Hoàn thành việc trình bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Diện mạo mới hình thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển

Du lịch - dịch vụ được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, hạ tầng du lịch được quan tâm, đầu tư nâng cấp tạo cơ hội cho ngành du lịch Cao Bằng thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm đến khảo sát đầu tư khai thác du lịch.

Tỉnh triển khai 6 dự án phát triển du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, đã hoàn thành 2 dự án (Dự án hàng rào biên giới khuôn viên Khu du lịch thác Bản Giốc; Dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo). Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch với 2 dự án: Dự án khu liên hợp thể thao tỉnh, Dự án bảo tàng tỉnh; triển khai 4 dự án về sản phẩm du lịch - dịch vụ bổ trợ. Phát triển hệ thống giao thông và biển, bảng chỉ dẫn trên các tuyến du lịch. Đầu tư hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, du lịch cộng đồng và các điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Bên cạnh đó, một số điểm tham quan được đầu tư, hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch: Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc); điểm checkin đỉnh cao Phja Oắc và điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, xã Quang Thành; điểm tham quan vườn trúc bản Phường, xã Thành Công (Nguyên Bình)…

Xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch, hoàn thành xây dựng ứng dụng Cổng du lịch thông minh tỉnh với nhiều tiện ích tra cứu bản đồ, tìm thông tin chính xác về các địa điểm du lịch tại Cao Bằng, được lập trình 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh) và được cài đặt dịch tự động.

Phát huy lợi thế có đường biên giới dài trên 333 km, có nhiều cặp cửa khẩu, tỉnh dự kiến bố trí 11.677 tỷ đồng cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cửa khẩu. Hoàn thành đưa vào sử dụng 6/6 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025. Khởi công mới 4 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, có 3 dự án hoàn thành, 1 dự án đang triển khai theo tiến độ được duyệt. Huy động nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và thu hút các nguồn khác để đầu tư 15 dự án hạ tầng cửa khẩu trong danh mục các dự án có nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được bố trí nguồn lực.

Các dự án phát triển đô thị góp phần kiến tạo “bộ khung” hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.

Các dự án phát triển đô thị góp phần kiến tạo “bộ khung” hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại.

Tạo điểm nhấn cho diện mạo đô thị, tỉnh nắm bắt thời cơ, vận dụng hiệu quả, linh hoạt các cơ chế, chính sách và ưu tiên các nguồn lực để kiến tạo “bộ khung” hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Theo Chương trình phát triển đô thị tỉnh và Chương trình phát triển đô thị của các đô thị trên địa bàn tỉnh, hiện có 69 dự án phát triển đô thị thu hút nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án nhà ở thương mại đã hoàn thành đưa vào sử dụng, cung cấp cho thị trường các sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng mỹ quan đô thị.

Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy hạ tầng số. Hoàn thành 6/8 nội dung trong kế hoạch về xây dựng phát triển hạ tầng số. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) cấp tỉnh tiếp tục được triển khai hoạt động ổn định và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) đáp ứng sẵn sàng khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối và giám sát bởi hệ thống giám sát của Cục Bưu điện Trung ương đến 100% UBND cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Triển khai nền tảng điện toán đám mây thiết lập trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số tỉnh được thực hiện và bước đầu cung cấp các hạ tầng vận hành cơ bản cho một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, đáp ứng các quy định về hoạt động, lưu trữ bảo mật.

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của địa phương, tỉnh tiếp tục đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, các đột phá có tính khả thi, sát thực tế, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có điều kiện phát triển. Tập trung bám sát các mục tiêu, chương trình tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, coi công tác quy hoạch và phát triển đô thị là một nội dung phục vụ hoàn thành 3 mục tiêu đột phá và 3 chương trình trọng tâm tại hghị quyết.

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-trien-ket-cau-ha-tang-dam-bao-nhanh-ben-vung-3174575.html
Zalo