Đề xuất các địa phương được thực hiện thí điểm phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền

Để giải quyết bài toán lệch pha cung - cầu nhà ở, tái cấu trúc lại thị trường nhà ở thương mại và tăng cung cấp các loại nhà ở trung cấp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất các địa phương được thực hiện thí điểm phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản số 04/2025/CV- HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề xuất một số điều trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Dự thảo Nghị định).

Theo đó, Hiệp hội đề xuất cần cơ chế ưu tiên chấp thuận dự án thí điểm do doanh nghiệp bất động sản đề xuất thực hiện dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền hoặc nhà ở trung cấp, phù hợp với thực tế của địa phương.

Trong văn bản, HoREA cho biết Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội đã góp phần xây dựng hoàn thiện các phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại, tạo điều kiện tăng thêm nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở thương mại trên thị trường. Đồng thời, Nghị quyết phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tuy nhiên, HoREA nhận thấy hiện nay tại một số đô thị đã xuất hiện tình trạng thiếu nhà ở giá vừa tiền, nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà ở thương mại vẫn neo cao. Có nhiều địa phương thì thị trường bất động sản vẫn phát triển bình thường; có địa phương có nhu cầu phát triển đầy đủ các phân khúc nhà ở cao cấp, nhà ở trung cấp, nhà ở giá vừa túi tiền.

Nhằm tái cấu trúc lại thị trường nhà ở thương mại, tăng cung cấp các loại nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở trung cấp, từ đó giảm giá nhà, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững, Hiệp hội đề xuất cần có cơ chế để Nhà nước thực hiện quyền và trách nhiệm điều tiết thị trường bất động sản. Điều này giúp đảm bảo sự phát triển cân đối và phù hợp với nhu cầu thực tế của các địa phương.

Mặt khác, theo HoREA, quy định về giới hạn về quỹ đất và đề xuất ưu tiên dự án nhà ở vừa túi tiền tại Nghị quyết 171 giới hạn diện tích đất được sử dụng cho các dự án thí điểm (tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong quy hoạch). Điều này dẫn đến quỹ đất ở được sử dụng để thực hiện các dự án thí điểm bị hạn chế, không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Nghị quyết quy định các dự án phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương nên HoREA cho rằng chính quyền địa phương hoàn toàn có thể tận dụng "công cụ quy hoạch" và "kế hoạch phát triển nhà ở" để định hướng các dự án thí điểm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và tái cấu trúc thị trường bất động sản nếu cần thiết.

Từ những lý do nêu trên, HoREA nhận thấy rất cần thiết bổ sung quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ưu tiên chấp thuận dự án thí điểm do doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề xuất thực hiện dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền hoặc dự án nhà ở thương mại trung cấp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương”.

“Đề xuất nhằm khắc phục dần tình trạng mô hình “kim tự tháp nhà ở bị lộn ngược” tại một số đô thị lớn, lệch pha sản phẩm nhà ở thương mại trong lúc rất thiếu loại nhà ở giá vừa tiền, nhà ở trung cấp, nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà bị “neo cao”, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong xã hội”, văn bản của HoREA nêu rõ.

Thiên Di

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-xuat-cac-dia-phuong-duoc-thuc-hien-thi-diem-phat-trien-nha-o-thuong-mai-vua-tui-tien.htm
Zalo