Phát triển HTX do phụ nữ làm chủ
Mô hình hợp tác xã (HTX) thời gian qua có nhiều phát triển gắn liền với vai trò của phụ nữ. Đầu năm nay, Chính phủ đã phê duyệt đề án Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển HTX.
Tại Đồng Nai, ngày càng có nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm chủ đang phát huy hiệu quả, trở thành sợi dây liên kết chị em cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
* Đổi mới để phát triển
HTX Hiệp Lực (TP.Biên Hòa) là một trong những đơn vị được ra đời rất sớm, từ năm 1986, hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre lá, quá trình hàng chục năm hoạt động, HTX Hiệp Lực đã tạo nên thương hiệu cho tỉnh, có được giá trị xuất khẩu từ thế mạnh nông nghiệp của từng vùng, tăng thu nhập cho người dân.
Theo bà Lương Thị Thúy, Giám đốc HTX Hiệp Lực, HTX đã mạnh dạn chuyển mình theo mô hình phát triển kiểu mới, tổ chức lại để phù hợp hơn với tình hình, nhu cầu thực tiễn. Với hàng trăm lao động thành viên và người dân tại các địa phương, HTX có nguồn nhân lực lớn cho phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thời gian gần đây, do tình hình khó khăn chung trên thế giới, việc xuất khẩu hàng của HTX cũng như người dân chậm lại song vẫn đảm bảo được yêu cầu phát triển. Thời gian tới, HTX cố gắng tạo ra nhiều thị trường để tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Đồng Nai phấn đấu đến năm 2030 củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 45 HTX, 120 tổ hợp tác được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 800 thành viên lao động nữ trong HTX, 2 ngàn lao động nữ trong tổ hợp tác.
Với HTX Sầu riêng Xuân Định (H.Xuân Lộc) thì trăn trở của bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX là làm sao nâng giá trị cho sản phẩm cây sầu riêng của Đồng Nai, qua đó gián tiếp tăng thu nhập của người nông dân. Xuân Định là nơi có diện tích sầu riêng tập trung lớn nhất của H.Xuân Lộc với hơn 500 ha. Cuối năm 2022, sầu riêng Xuân Định cùng với một số nông sản của tỉnh chính thức được cấp mã số vùng trồng. Đây là điều kiện cơ bản để sản phẩm được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và hướng đến một số nước khác.
Năng động, nhạy bén, không ngại khổ là điều có thể cảm nhận được ở người phụ nữ đã theo đuổi mô hình sản xuất sạch. Theo bà Nga, được cấp mã số vùng trồng sẽ đem lại cơ hội lớn cho nông dân lẫn HTX. HTX vận động xã viên tuân thủ các quy định, mở rộng vùng sản xuất sạch, đầu tư cơ sở vật chất cho đóng gói, bảo quản theo yêu cầu của đối tác. Việc sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn, đạt chuẩn an toàn cũng là yêu cầu tất yếu. Do đó, bà Nga đã bỏ công đi học tập kinh nghiệm từ nhiều HTX làm ăn hiệu quả, đồng thời tích cực tham gia nhiều hội chợ, sự kiện thương mại để quảng bá thương hiệu cho sầu riêng của địa phương.
Tương tự, các HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (TP.Biên Hòa), HTX Dịch vụ nông nghiệp Sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) cũng là những điển hình cho phụ nữ khởi nghiệp, năng động, sáng tạo trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể. Đây cũng là các đơn vị có sản phẩm được chứng nhận OCOP của Đồng Nai, thương hiệu ngày một vươn xa hơn.
* Xây dựng các chương trình hỗ trợ
Hỗ trợ phụ nữ phát triển các mô hình kinh tế, trong đó có mô hình HTX đã được các cấp, ngành, quan tâm từ những năm qua. Mới đây, đầu năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 (Đề án 01).
Theo đó, đề án xác định đến năm 2030 tiếp tục củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1,5 ngàn HTX, 10 ngàn tổ hợp tác được các cấp Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30 ngàn thành viên, lao động nữ trong HTX và thu hút 100 ngàn lao động nữ trong tổ hợp tác. Các nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Theo Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đề án này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Hội LHPN các cấp, nhất là trong việc khuyến khích phụ nữ cả nước tham gia phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, nâng cao quyền năng kinh tế, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội như xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ. Việc triển khai các Đề án 01, Đề án 939 không chỉ là nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam, mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân.
Các bộ, ngành quan tâm cân đối, bố trí kinh phí trong chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện nội dung phát triển kinh tế tập thể; xây dựng các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhân lực nữ… UBND các tỉnh, thành phố sớm chỉ đạo xây dựng kế hoạch và sớm triển khai thực hiện đề án; quan tâm bố trí nguồn lực, ưu tiên lồng ghép vào các chương trình, đề án có liên quan nhằm triển khai có hiệu quả đề án.
Tại Đồng Nai, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp luôn được quan tâm. Sau 5 năm thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (đề án 939), Đồng Nai đã hỗ trợ thành lập 45 mô hình kinh tế tập thể, HTX và tổ liên kết sản xuất do phụ nữ quản lý. Đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ trên 2,4 ngàn phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số tiền trên 77 tỷ đồng.
Mới đây ngày 18-5, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 125/KH-UBND nhằm triển khai, cụ thể hóa các nội dung mà Đề án Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 đã đặt ra theo tình hình thực tế tại địa bàn. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Trong đó, 2 đơn vị là Hội LHPN tỉnh và Liên minh HTX tỉnh có vai trò quan trọng.
Mục tiêu của kế hoạch là phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX. Đồng thời phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.