Chuyển đổi số ngành hải quan và hiệu quả tăng thu ngân sách qua các năm

Là một trong những lĩnh vực tiên phong áp dụng CNTT trong hoạt động, điều hành, ngành hải quan đã có những bước chuyển quyết liệt về chuyển đổi số (CĐS) trong những năm qua, đảm bảo vai trò là 'lá chắn' giúp bảo vệ hàng hóa xuất nhập khẩu được chính ngạch, đồng thời hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về thu ngân sách, chống buôn lậu, gian lận thương mại…

Một trong những lá cờ đầu trong Chuyển đổi số quốc gia

Với vai trò là đơn vị tuyến đầu biên giới, thực hiện công tác kiểm soát hải quan đối với hoạt động kinh tế đối ngoại, xuất nhập khẩu, đầu tư, du lịch, hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hải quan là một trong những ngành đã thực hiện chuyển đổi số từ rất sớm.

Ngay từ những năm 1994 – 1995, những ứng dụng CNTT đầu tiên trong công tác hải quan đã được áp dụng, chủ yếu phục vụ cho công tác thống kê số liệu, đáp ứng việc chỉ đạo, điều hành các cấp. Đến năm 2001, khi Luật Hải quan có hiệu lực, công tác ứng dụng CNTT vào khai báo hải quan cũng đã được triển khai. Đây được đánh giá là bước ngoặt quan trọng của ngành khi lần đầu tiên cơ quan hải quan áp dụng tiếp nhận thông tin khai hải quan thông qua hệ thống Internet.

Đến năm 2005, ngành hải quan lại tiếp tục thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử giai đoạn một tại Chi cục Hải quan TP.HCM và Chi cục Hải quan Hải Phòng và lần đầu tiên rút ra những khải niệm như quản lý rủi ro và thủ tục hải quan điện tử.

Cùng với việc ban hành Luật Hải quan năm 2014, Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia trong khuôn khổ hiệp định giữa các nước thành viên ASEAN. Đến năm 2018, hải quan Việt Nam lại chính thức kết nối cơ chế một cửa ASEAN. Từ đó đến nay, Việt Nam đã từng bước thay thế toàn bộ các thủ tục thông thường bằng thủ tục hải quan điện tử thông qua việc ứng dụng hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Năm 2021 cũng chứng kiến một mốc mới khi ngành hải quan đặt ra mục tiêu tiếp tục ứng dụng CNTT một cách toàn diện, sâu rộng, gắn liền với chủ trương chuyển đổi số và hải quan số, hải quan phi giấy tờ, biên giới thông minh và các chuẩn mực quốc tế.

Công tác chuyển đổi số ngành hải quan đã diễn ra trong nhiều năm và đã đang đạt được những thành tựu tích cực.

Công tác chuyển đổi số ngành hải quan đã diễn ra trong nhiều năm và đã đang đạt được những thành tựu tích cực.

Năm 2022, hưởng ứng kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia, ngành hải quan cũng đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đã xác định chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của cán bộ, công chức, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Việc thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện thông qua hệ thống công nghệ thông tin và nguồn dữ liệu lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), … sẽ tạo ra sự thuận lợi lớn cho cả đơn vị hải quan lẫn tổ chức, doanh nghiệp lẫn người dân.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành hải quan còn mang lại lợi ích đối với các lĩnh vực, các ngành như thương mại quốc tế, thương mại điện tử, logistics,… từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế số cùng phát triển.

Kế hoạch cũng khẳng định, chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, phòng chống tham nhũng đối với ngành hải quan, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả, tính minh bạch trong quản lý của các bộ, ngành…

Công tác chuyển đổi số giúp rút ngắn thời gian thông quan của hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tăng tính hiệu quả cho công tác quản lý.

Công tác chuyển đổi số giúp rút ngắn thời gian thông quan của hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tăng tính hiệu quả cho công tác quản lý.

Đến tháng 7/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan lại ký ban hành quyết định bổ sung Kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, ngành hải quan sẽ đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng số hóa chứng từ hải quan, dần tiến tới chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc bộ hồ sơ hải quan khi làm thủ tục. Ngành hải quan cũng sẽ tập trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, triển khai dự án mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Không chỉ xuất phát từ nhu cầu tự thân của ngành, thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đặc biệt quan tâm, có nhiều chỉ đạo sâu sát, mạnh mẽ đối với công tác chuyển đổi số và xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số.

Tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra mục tiêu “Xây dựng Hệ thống CNTT hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đây cũng chính là sự định hướng cần thiết để ngành có thể triển khai các giai đoạn chuyển đổi số tiếp theo rõ ràng và hiệu quả hơn.

Những “trái ngọt” được thể hiện qua các năm

Theo Tổng cục Hải quan, công tác chuyển đổi số thời gian qua đã giúp hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tính đến nay cơ chế một cửa quốc gia đã có trên 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của hơn 69,7 nghìn doanh nghiệp.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, đến nay, ngành đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Về phương thức quản lý, cơ quan hải quan đã chuyển đổi một cách toàn diện phương thức quản lý từ thủ công sang hình thức sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử với 5 mục tiêu gồm khai báo thông tin trước đối với hàng hóa; khai báo về dữ liệu thông tin để phục vụ thông quan hoàn toàn trên tờ khai điện tử; áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN; kết nối Cơ chế một cửa ASEAN để áp dụng chứng nhận xuất xứ điện tử; thanh toán tất cả các khoản phí và lệ phí, thuế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan thông qua hình thức điện tử.

Ngành hải quan tập vẫn đang trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, triển khai dự án mở rộng Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Ngành hải quan tập vẫn đang trung xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, triển khai dự án mở rộng Cổng thông tin Một cửa quốc gia.

Chuyển đổi số cũng đã tác động mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước qua các năm. Nếu như năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt qua mức 400 tỷ USD và đến năm 2019 cán mốc 500 tỷ USD, thì đến năm 2021 đã đạt 600 tỷ USD và năm 2022 vượt mức 700 tỷ USD. Qua đó, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới.

Nếu như trước năm 2014, số lượng tờ khai hải quan xuất nhập khẩu là dưới 10 triệu tờ khai/năm thì sau năm 2014 liên tục các năm tăng trưởng, trung bình mức độ tăng trưởng về hoạt động xuất nhập khẩu tính qua kim ngạch và tờ khai tăng trên 10%/năm. Hiện nay mỗi năm, trung bình xử lý trên 13 triệu tờ khai xuất nhập khẩu.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành hải quan đã làm thủ tục thông quan thông suốt cho 8,16 triệu tờ khai, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu là 4,28 triệu tờ khai, tăng 15,9% và nhập khẩu là 3,88 triệu tờ khai, tăng 12,8%. Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa là 88.700 doanh nghiệp, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 51,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 11,85 tỷ USD.

Về số thu ngân sách Nhà nước trong những năm gần đây cũng liên tục ghi nhận những con số đầy tích cực. Nếu như năm 2021, Tổng cục Hải quan thu đạt 370.000 tỷ đồng bằng 117,46% dự toán, bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tiếp đến năm 2022, ngành Hải quan thu về ngân sách với con số ấn tượng đạt 437.38 tỷ đồng, vượt 24% dự toán được giao. Bước sang năm 2023, do tình hình chung của thế giới cũng như chính sách ưu đãi, giảm thuế cho nhiều mặt hàng quan trọng, số thu ngân sách của ngành Hải quan giảm nhẹ, ước thu cả năm đạt 365.000 tỷ đồng, bằng 85,9% dự toán được giao, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, nhờ những nỗ lực quyết liệt thay đổi, tình hình thu ngân sách của ngành đã quay đầu tăng trưởng mạnh mẽ. Tính lũy kế thu ngân sách từ hoạt động hải quan trong 10 tháng năm 2024 đã đạt 346.283 tỷ đồng, bằng 92,3% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số đầy khả quan đó có được một phần quan trọng từ việc áp dụng những chính sách chuyển đổi, số hóa hiệu quả của ngành hải quan trong suốt những năm qua, cũng là minh chứng rõ nét cho thấy năng lực chuyển đổi số của các ngành nghề trong quá trình hưởng ứng chuyển đổi số quốc gia.

CTV Huệ Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-nganh-hai-quan-va-hieu-qua-tang-thu-ngan-sach-qua-cac-nam-post1137763.vov
Zalo