Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch Sơn La đang có bước phát triển quan trọng, hình ảnh và thương hiệu điểm đến đã và đang được khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nhiều sản phẩm du lịch tiêu biểu được hình thành, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Sơn La trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch qua miền Tây Bắc.

Thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ còn nguyên vẻ hoang sơ.

Thác Tạt Nàng, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ còn nguyên vẻ hoang sơ.

Cụ thể hóa tiềm năng, lợi thế

Sơn La có vị trí quan trọng, là trung tâm của vùng Tây Bắc; là cửa ngõ kết nối Hà Nội, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với Tây Bắc và kết nối với các tỉnh Bắc Lào. Là vùng đất có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, Sơn La có khí hậu trong lành, mát mẻ, vùng núi và cao nguyên hùng vĩ; có 12 dân tộc giàu bản sắc văn hóa, với 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), 64 di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh được xếp hạng.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng là: “Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025, được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào”.

Vịnh Bình Yên trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai.

Vịnh Bình Yên trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai.

Thực hiện mục tiêu đề ra, ngày 23/1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 4 năm triển khai thực hiện Kết luận 94, du lịch tỉnh Sơn La đạt được kết quả quan trọng. Nhiều quy hoạch được lập và triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; quy hoạch vùng liên huyện dọc quốc lộ 6; quy hoạch vùng dọc lòng hồ sông Đà; quy hoạch phân khu Khu bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng huyện Mộc Châu; quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận; quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Đèo Pha Đin...

Nổi bật, là việc hoàn thành và về đích trước 1 năm đối với 2 mục tiêu lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu chính thức được công nhận theo quy định của Luật Du lịch và 3 năm liên tiếp được Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới bình chọn là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á” và 2 năm liên tiếp được bình chọn “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Du khách trải nghiệm hái mận hậu trên cao nguyên Mộc Châu.

Du khách trải nghiệm hái mận hậu trên cao nguyên Mộc Châu.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thông tin: Với mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sơn La chú trọng phát triển du lịch nhanh, bền vững gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và sản vật địa phương; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ, tôn tạo cảnh quan môi trường.

Sơn La lấy du lịch văn hóa với giá trị cốt lõi là bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc làm nền tảng để hình thành các loại hình du lịch khác; phát triển du lịch thiên nhiên là sản phẩm đặc thù để tăng năng lực cạnh tranh. Khuyến khích mở rộng phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, gắn với xóa đói, giảm nghèo và phát triển nông thôn mới; lấy lợi thế về nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Những tín hiệu tích cực

Phát triển hạ tầng du lịch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã bố trí gần 1.150 tỷ đồng cho 14 dự án; toàn tỉnh thu hút 13 dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, với số vốn đăng ký 14.515 tỷ đồng. Nhiều dự án du lịch, khu du lịch có quy mô, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế hình thành và đi vào hoạt động. Hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch tại các khu, điểm du lịch cũng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 600 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 29 khách sạn, resort đã được xếp hạng từ 1-5 sao.

Du khách trải nghiệm Cầu kính Bạch Long tại Mộc Châu Island.

Du khách trải nghiệm Cầu kính Bạch Long tại Mộc Châu Island.

Tháng 5/2022, Khu du lịch Mộc Châu Island của Công ty cổ phần Du lịch 26 Mộc Châu chính thức đi vào hoạt động với sự kiện khởi đầu là khánh thành Cầu kính Bạch Long được 3 tổ chức uy tín thế giới công nhận, gồm: Đường đi vách núi dài nhất thế giới; cầu đáy kính dài nhất thế giới; cây cầu kính dài nhất thế giới với độ dài 632 m.

Cùng với đó là những sản phẩm du lịch hấp dẫn lần đầu tiên có tại Tây Bắc, Sơn La, như: Đu Zipline, trượt cầu vồng cảm giác mạnh hay đường đua F1 mini; thưởng thức các món ăn đặc sản Tây Bắc tại nhà hàng tre Tabamboo có diện tích 2.950 m²; nghỉ dưỡng tại khách sạn đoàn tàu, khu nghỉ glamping...

Ông Mai Trí Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch 26 Mộc Châu, thông tin: Mộc Châu Island hướng đến trở thành khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, gắn liền với trách nhiệm bảo tồn thiên nhiên và môi trường - gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp. Qua đó, trở thành điểm đến lý tưởng hàng đầu cho mọi du khách yêu trải nghiệm, tìm kiếm những cung bậc thăng hoa trong cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có 12 khu du lịch, điểm du lịch đã được công nhận, gồm: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, 1 khu du lịch cấp tỉnh và 10 điểm du lịch cấp tỉnh. Du lịch Sơn La hình thành trên cơ sở kế thừa phát huy và hoàn chỉnh 5 loại hình du lịch đã hình thành, như du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch văn hóa lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề, với hạ tầng du lịch từng bước đồng bộ hiện đại và chuyên nghiệp.

Trải nghiệm văn hóa tại Happy Land Mộc Châu.

Trải nghiệm văn hóa tại Happy Land Mộc Châu.

Thị xã Mộc Châu hiện có nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn như: Khu du lịch sinh thái Thác Dải Yếm, phố đi bộ Mộc Châu, động Sơn Mộc Hương, ngũ động bản Ôn, Happy Land Mộc Châu, Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, đồi chè trái tim, thung lũng mận Nà Ka... Các bản du lịch cộng đồng, homestay tại tổ dân phố Na Áng, phường Đông Sang; tổ dân phố Vặt Hồng, phường Mường Sang; bản Tà Số, xã Chiềng Hắc... Cùng với đó, là những đồi chè, đồng cỏ, vườn cây ăn quả, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Mộc Châu luôn chú trọng quảng bá hình ảnh qua các sự kiện lễ hội, giải thể thao mang tầm cỡ trong nước và thế giới. Đặc biệt, chú trọng việc chuyển đổi số vào các hoạt động phát triển du lịch được chú trọng, như xây dựng bản đồ số, du lịch thông minh, số hóa các khu, điểm du lịch, tham quan du lịch thực tế ảo 360 độ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Mới đây nhất, Mộc Châu đã tổ chức Chương trình Tìm kiếm gương mặt KOL (là những người có ảnh hưởng lớn trên nền tảng mạng xã hội) du lịch Mộc Châu 2025. Tham gia chương trình có 50 nhóm thí sinh đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh. Các nhóm thí sinh tham gia thi sản xuất nội dung video sáng tạo về trải nghiệm du lịch Mộc Châu tại các điểm du lịch nổi tiếng trên cao nguyên Mộc Châu. Các sản phẩm phải đảm bảo nội dung, phản ánh chân thực, sinh động những trải nghiệm; được đăng tải công khai trên các nền tảng mạng xã hội cá nhân và kèm theo hashtag của chương trình.

Các KOL quay video trải nghiệm du lịch Mộc Châu. Ảnh Mạnh Hùng (Mộc Châu)

Các KOL quay video trải nghiệm du lịch Mộc Châu. Ảnh Mạnh Hùng (Mộc Châu)

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, chia sẻ: Mộc Châu chú trọng ứng dụng công nghệ số; sử dụng các kênh truyền thông chính thống, mạng xã hội, website du lịch để giới thiệu các địa điểm du lịch tiêu biểu và những trải nghiệm độc đáo của Mộc Châu; xây dựng hình ảnh, thương hiệu và tạo niềm tin về chất lượng dịch vụ, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nằm trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, huyện Vân Hồ cũng là điểm đến của nhiều du khách khám phá những bản du lịch cộng đồng đậm chất dân tộc Thái, Mông; nơi đây còn nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, hùng vĩ, đặc biệt là hệ thống các thác nước còn giữ nguyên vẻ hoang sơ.

Ông Vũ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Huyện chỉ đạo các xã phát triển du lịch xanh, gắn với giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; hỗ trợ kinh phí để các xã phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc của các dân tộc, vừa bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng, giới thiệu văn hóa, con người Vân Hồ, tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách, nhất là du khách nước ngoài.

Du khách trải nghiệm thác Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ

Du khách trải nghiệm thác Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ

Dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tập trung phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, làm mới sản phẩm. Tại Thành phố có Quảng trường Tây Bắc; Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Vùng cao Bắc Yên đang ngày càng thu hút du khách thập phương đến những địa danh mới nổi, như: Săn mây Tà Xùa, trải nghiệm “Sống lưng khủng long”, thăm hang vợ chồng A Phủ, ngắm ruộng bậc thang ở Xím Vàng.

Huyện Yên Châu có Di tích quốc gia đặc biệt khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài. Huyện Mai Sơn có Khu di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi. Huyện Phù Yên có Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt. Ngoài ra, còn có Khu du lịch Đèo Pha Đin, huyện Thuận Châu; Khu du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai, Mường La; "Miền quê cổ tích" xã Ngọc Chiến, huyện Mường La...

Đam mê du lịch, anh Hoàng Hải Nam, thành phố Hà Nội, đã đến khám phá nhiều điểm du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La. Anh Nam chia sẻ: Tôi thấy Sơn La có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp còn giữ được vẻ nguyên sơ. Vùng đất này có nhiều nét văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú và rất ngon. Chắc chắc Sơn La sẽ là điểm đến thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Phần thi chọi dê tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Phần thi chọi dê tại bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các địa phương trong tỉnh đã đón trên 220.000 lượt khách du lịch; doanh thu du lịch ước đạt trên 255 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực để Sơn La tiếp tục phát triển du lịch theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-lEmqSebHR.html
Zalo