Phát triển du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu hết năm 2024 đón khoảng 26,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế. Ðến hết tháng 11, Hà Nội đã đón 25,33 triệu lượt khách, trong đó, số khách du lịch quốc tế đạt 5,67 triệu lượt. Du lịch Hà Nội đang khẳng định vị thế cả về quy mô và chất lượng.

Việc tái hiện văn hóa thời bao cấp trong chương trình Ðêm Trúc Bạch là một sáng tạo thu hút đông đảo khách du lịch.

Việc tái hiện văn hóa thời bao cấp trong chương trình Ðêm Trúc Bạch là một sáng tạo thu hút đông đảo khách du lịch.

Những ngày cuối năm cũng là thời điểm thành phố liên tục tổ chức các sự kiện văn hóa nhằm quảng bá thương hiệu, thu hút khách du lịch đến Thủ đô như Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024, Chương trình quảng bá du lịch đêm 2024 với chủ đề "Ðêm Trúc Bạch", chuỗi hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày Phố cổ Hà Nội trở thành Di tích lịch sử quốc gia…

Ngay sau khi những sự kiện nêu trên kết thúc, ngành du lịch Thủ đô hối hả chuẩn bị các sự kiện đón năm mới 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bởi đây là những dịp quan trọng để thu hút khách du lịch tới Thủ đô. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa đề nghị các di tích trên địa bàn thành phố mở cửa trong suốt dịp nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ để phục vụ nhu cầu đón Tết, vui xuân của du khách và nhân dân.

Năm 2024, thành phố đề ra mục tiêu đón 26,5 triệu khách. Song tính đến hết tháng 11, Hà Nội đón 25,33 triệu lượt khách. Riêng lượng khách du lịch quốc tế đạt 5,67 triệu lượt (mục tiêu là 5,5 triệu lượt).

Năm 2024 ghi nhận những dấu mốc quan trọng trong phát triển thị trường khách du lịch quốc tế, với nhiều thị trường đạt tốc độ tăng trưởng hai con số như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Ðức, Canada... Có những thị trường đạt tốc độ tăng trưởng từ 20 đến 40%.

Ðáng chú ý là việc Hà Nội đã đón những đoàn khách quốc tế lớn như đoàn gần 5.000 khách Ấn Ðộ - một thị trường mới, có sự tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua.

Ðây không phải là lần đầu Hà Nội đón tiếp những đoàn khách MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện) nhưng hoạt động này thêm một lần nữa khẳng định sức hút của du lịch Hà Nội, năng lực tổ chức, dịch vụ của thành phố có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao, là trung tâm du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm của cả nước.

Cũng trong năm 2024, Hà Nội thực hiện nhiều đổi mới trong xúc tiến quảng bá du lịch tại nước ngoài với hai sự kiện liên tiếp là Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội-Nhật Bản 2024 và Tọa đàm Xúc tiến đầu tư, thương mại Hà Nội-Hàn Quốc 2024 đều tổ chức trong tháng 10/2024. Bên cạnh kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, đây còn là dịp quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô đến hai thị trường quan trọng ở châu Á.

Về phát triển sản phẩm, năm 2024, bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, thành phố đẩy mạnh khai thác những tuyến du lịch ngoại thành mới. Nổi bật là tuyến du lịch trung tâm Hà Nội-Thanh Oai-Ứng Hòa-Mỹ Ðức với chủ đề "Khám phá con đường di sản Nam Thăng Long"; điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền (huyện Ba Vì); sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản - di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ, huyện Ðan Phượng…

Bên cạnh đó, ngành du lịch Thủ đô đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau. Cụ thể, tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội-Hà Nam-Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội-Sơn La, Hà Nội-Lào Cai-Lai Châu. Nhằm hỗ trợ các điểm di tích lịch sử, văn hóa đón khách quốc tế, Sở Du lịch thực hiện sản xuất clip, biên tập, dịch bài thuyết minh các điểm đến du lịch chuẩn hóa sang năm ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Mặc dù có nhiều khởi sắc, ngành du lịch vẫn chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu du lịch suy giảm do nhiều người thắt chặt chi tiêu; việc khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch chưa xứng với tiềm năng; chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao; quy mô doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao…

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Ðặng Hương Giang cho biết: "Ngành du lịch Thủ đô tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, cả về quy mô và chất lượng; hướng đến nhóm khách quốc tế có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày; ưu tiên phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp, phát huy thế mạnh của du lịch đô thị, du lịch MICE. Thành phố tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, các sản phẩm mới có sức hút với từng thị trường; tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc sông Hồng, sông Ðuống; ưu tiên phát triển một số mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Quốc Oai…; đưa vào hoạt động điểm đến du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi tại Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Ðức".

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-du-lich-thu-do-dat-ca-ve-quy-mo-va-chat-luong-post850844.html
Zalo