Phát triển du lịch gắn với lễ hội xuân

Vào dịp đầu xuân, nhiều địa phương quan tâm phục dựng, bảo tồn, tổ chức các lễ hội để vừa phát huy các giá trị văn hóa vừa hấp dẫn du khách.

Đua trải truyền thống trên sông Vực đầu năm của thị xã Hương Thủy

Đua trải truyền thống trên sông Vực đầu năm của thị xã Hương Thủy

Du lịch lễ hội giàu tiềm năng

Trước thềm tết Ất Tỵ, thị xã Hương Thủy đã tập trung công tác chuẩn bị để tổ chức các hoạt động, lễ hội đầu xuân. Bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Thủy cho biết, có 2 hoạt động lễ hội mang tính truyền thống, được tổ chức hàng năm vừa tạo ra không khí vui tươi đầu xuân, vừa thu hút du khách là chợ quê ngày hội dịp tết Nguyên đán tại điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (trong những ngày Tết) và đua trải truyền thống trên sông Vực đầu Xuân Ất Tỵ - 2025 vào ngày mùng 9 tháng Giêng.

Chợ quê ngày hội dịp tết Nguyên đán năm nay không tổ chức quy mô lớn, nhưng được định hướng tạo ra không khí một chợ Tết mộc mạc, truyền thống với các hoạt động vui chơi cho người dân, du khách. Bên cạnh các hoạt động mua bán các sản phẩm địa phương, còn tổ chức hoạt động bài chòi, chằm nón, các trò chơi để người dân, du khách trải nghiệm. “Người dân và du khách khắp nơi đã nghe về chợ quê ngày hội. Tuy không tổ chức quy mô như các lễ hội lớn, nhưng chúng tôi mong muốn từ các hoạt động ở chợ quê ngày hội dịp Tết mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách” - ông Đặng Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh chia sẻ.

So với nhiều địa phương ở phía bắc, số lượng các lễ hội dân gian ở Huế tuy không phong phú bằng, song tiềm năng về du lịch lễ hội ở Huế không vì thế giảm đi. Huế có một hệ thống các lễ hội cung đình và nhiều chương trình, hoạt động lễ hội được tái hiện trong Đại Nội Huế dịp Tết. Bên cạnh đó, những lễ hội hàng năm như lễ hội đền Huyền Trân, hội vật làng Sình, hội vật làng Thủ Lễ, lễ hội cầu ngư đầu năm ở các địa phương… cũng là điểm nhấn văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch lễ hội nếu được khai thác bài bản.

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Huế cho biết, nhiều địa phương trong cả nước quan tâm đến phát triển du lịch lễ hội đã cho thấy sức hút với du khách. Lễ hội truyền thống phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng, gắn liền với các sự kiện được hình thành trong lịch sử và được vun đắp, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác. Khai thác hiệu quả giá trị của di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội truyền thống cũng là giải pháp để phát triển du lịch.

Đầu tư bài bản, hình thành sản phẩm

Lâu nay, ngoài một số lễ hội mang tính tâm linh thu hút khách hành hương thì rất nhiều lễ hội lớn, nhỏ khác ở Huế vẫn chưa thu hút, tạo được hiệu quả về phát triển du lịch. Doanh nghiệp lữ hành gần như chưa có các tour, tuyến riêng về trải nghiệm các lễ hội tại Huế.

Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, lý do nhiều lễ hội đầu xuân ở Huế chưa thu hút du khách, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch lễ hội là vì câu chuyện tổ chức vẫn còn nhiều trăn trở. Khi việc tổ chức lễ hội chỉ dừng lại ở mức là hình thái sinh hoạt của cư dân bản địa, như hoạt động đến hẹn lại lên thì khó thu hút khách đến tìm hiểu lễ hội. Muốn thu hút khách, phải tạo điểm nhấn bằng cách khéo léo biến lễ hội thành sự kiện với cách tổ chức có tính bài bản hơn, có dịch vụ, có trải nghiệm và tạo được nguồn thu.

Xây dựng các sản phẩm du lịch lễ hội không cần quá dàn trải mà cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về cách thức tổ chức, quy mô, nội dung, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong địa phương để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh phục vụ du khách. Phải thể hiện rõ được phần lễ và phần hội để du khách không chỉ tìm hiểu mà còn hòa mình vào trải nghiệm.

Các địa phương cũng cần gắn kết hơn với các đơn vị làm du lịch, không chỉ để xây dựng tour tuyến, sản phẩm du lịch, đưa khách về lễ hội mà còn thông qua các ý tưởng, tư duy, sáng tạo của doanh nghiệp du lịch để tạo ra các trải nghiệm đúng với nhu cầu của du khách, hài hòa các yếu tố giữa phát huy giá trị văn hóa và phát triển du lịch.

Theo Sở Du lịch, ngành du lịch địa phương xác định, du lịch văn hóa di sản, là nền tảng, bên cạnh đó, ngành du lịch cũng xây dựng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bổ trợ. Ngành du lịch cũng sẽ phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, xây dựng các tour tuyến, sản phẩm phù hợp và đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/phat-trien-du-lich-gan-voi-le-hoi-xuan-150496.html
Zalo