Phát triển đột phá ngành dược bằng chuyển giao công nghệ
Dù có những thành tựu đáng kể, ngành dược Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Đặc biệt, việc sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc biệt dược gốc, vắc-xin và sinh phẩm hiện đại vẫn còn ở giai đoạn khiêm tốn.
Chính sách mới hỗ trợ chuyển giao công nghệ thực phẩm
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dược phẩm, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để vươn lên trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm chất lượng cao trong khu vực ASEAN.
Một trong những chiến lược quan trọng là chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin và sinh phẩm, không chỉ để đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.
Việt Nam hiện có 238 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 17 nhà máy đạt chuẩn GMP-EU, chủ yếu sản xuất thuốc generic.
Mặc dù đã có những thành tựu đáng kể, ngành dược Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít thách thức. Đặc biệt, việc sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc biệt dược gốc, vắc-xin và sinh phẩm hiện đại vẫn còn ở giai đoạn khiêm tốn.
Hiện nay, ngành Dược Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 70% về số lượng và 46,3% về giá trị nhu cầu thuốc nội địa, với phần lớn nguyên liệu sản xuất thuốc vẫn phải nhập khẩu.
Một trong những vấn đề lớn hiện nay là năng lực nghiên cứu và sản xuất vắc-xin của Việt Nam còn hạn chế. Mặc dù đã có 15 loại vắc-xin được sản xuất trong nước, đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng, nhưng tỷ lệ này đối với tiêm chủng dịch vụ vẫn chỉ đạt 10%. Việc sản xuất vắc-xin mRNA, các vắc-xin đột phá hay các sản phẩm sinh học công nghệ cao vẫn là mục tiêu xa vời, chưa được thực hiện đầy đủ.
Để giải quyết vấn đề này, Luật Dược sửa đổi, bổ sung đã đưa ra những chính sách ưu tiên chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược. Các chính sách này không chỉ hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ mà còn khuyến khích các công ty đầu tư vào sản xuất thuốc biệt dược gốc và vắc-xin trong nước.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc sửa đổi này sẽ giúp rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đặc biệt, bao gồm thuốc mới, biệt dược gốc, thuốc hiếm và vắc-xin, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho việc thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn và hỗ trợ đất đai cũng sẽ giúp các doanh nghiệp dược phẩm có động lực mạnh mẽ hơn trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy kết quả chuyển giao công nghệ còn khá hạn chế. Tính đến năm 2024, chỉ có 20 thuốc phát minh được chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia như AstraZeneca, Servier, Viatris cho Việt Nam, trong đó chỉ có 3 thuốc được cấp số đăng ký.
Đây là một con số khá khiêm tốn, cho thấy cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.
Trước khi Luật Dược sửa đổi được ban hành, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thu Thủy, Trưởng Văn phòng đại diện Hà Nội của Công ty Servier thừa nhận, doanh nghiệp đang có nhiều vướng mắc trong triển khai ưu đãi đầu tư với dự án.
Cụ thể, Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/03/2021 có quy định lộ trình giữ giá, giảm giá thuốc phát minh để thu hút doanh nghiệp chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua rất lâu vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể ưu đãi này.
Việc áp dụng thực tế các quy định trong đàm phán giá cũng chưa thống nhất, chưa đảm bảo tính khuyến khích đối với các dự án chuyển giao công nghệ.
Đại diện của Công ty TNHH Medochemie (Viễn Đông) thì cho rằng, mỗi dự án chuyển giao công nghệ đều rất tốn kém và cần phải lập dự trù kinh phí chi tiết cho từng sản phẩm
Việc chuyển giao công nghệ tiêu tốn nhiều thời gian của các bộ phận trọng yếu, thời gian đào tạo cho nhân viên, và thời gian vận hành của thiết bị thay vì để sản xuất thương mại thì phải dành phục vụ cho sản phẩm chuyển giao công nghệ.
Theo một đại diện của Tập đoàn dược phẩm Sanofi, từ sáng chế thuốc tới cấp phép, phát triển một dược phẩm mới mất thời gian từ 10 đến 15 năm, chi phí 2,6 tỷ đô. Như vậy, chỉ cần chậm chễ một khâu hoặc ách tắc ở đâu thiệt hại sẽ rất lớn cả về thời gian và chi phí.
Cải cách pháp lý và chính sách đầu tư hấp dẫn
Để thực hiện được mục tiêu phát triển ngành dược phẩm Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến và tạo ra các sản phẩm thuốc có giá trị cao, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ và phát triển hệ thống quy định về sở hữu trí tuệ.
Hơn nữa, việc đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp dược phẩm giá trị cao như vắc-xin, thuốc sinh học sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất và cung ứng dược phẩm khu vực ASEAN.
Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam chia sẻ, Việt Nam có nhiều điểm mạnh về nhân lực, nhưng cần tạo ra những khuyến khích và điều kiện thuận lợi hơn để phát huy tối đa năng lực đó.
Việc AstraZeneca cam kết chuyển giao công nghệ và hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam là minh chứng cho quyết tâm mạnh mẽ của các tập đoàn quốc tế trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành dược phẩm Việt Nam.
Còn theo chia sẻ của ông Dion Warren, Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của Takeda, ông đánh giá rất cao quá trình đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong phát triển ngành Y Dược và khẳng định rằng thời gian qua doanh nghiệp đã nỗ lực lớn để có thể thích ứng với quá trình này.
"Chúng tôi đã dành gần 5 tỷ USD cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Takeda đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực điều trị ung thư, các bệnh lý về tiêu hóa, bệnh hiếm, các giải pháp điều trị từ huyết tương và hiện nay là vắc-xin," ông Dion Warren cho biết thêm.
Ở một khía cạnh khác, bà Radhika Bhalla, Tổng Giám đốc Viatris Việt Nam và Các Thị Trường Liên Minh Châu Á cho biết thời gian qua, Viatris đã nỗ lực cung cấp các loại thuốc chất lượng cao cho hơn 1 tỷ bệnh nhân trên toàn thế giới.
Để làm được điều này, Viatris đã vận hành một chuỗi cung ứng thuận tiện để người dân tiếp cận thuốc một cách dễ dàng, nhanh chóng. Bên cạnh đó, Viatris cũng tập trung vào tính bền vững và khả năng quy mô toàn cầu trong chuỗi cung ứng khi hợp tác với hiệp hội y tế, dược để nâng cao nhận thức cho các dược sỹ, nhà thuốc trong chăm sóc sức khỏe người dân.
Bà Radhika Bhalla cũng chia sẻ rằng, Viatris rất vui mừng khi nhận được sự động viên và hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Y tế. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đăng ký và chính sách đầu tư. Vì vậy, cần thiết phải có các cải cách pháp lý để tạo môi trường đầu tư nước ngoài rõ ràng và hấp dẫn hơn cho ngành công nghiệp dược phẩm.
Ở một số quốc gia, các nhà hoạch định chính sách tập trung vào sáng kiến chuyển giao công nghệ để thúc đẩy khả năng tự chủ nguồn cung và giúp các quốc gia giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông qua sự kết hợp giữa sản xuất toàn cầu, khu vực và địa phương.
Việt Nam có thể đạt được sự cân bằng tương tự trong khi vẫn tiếp tục thu hút đầu tư bằng cách cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa quy trình cấp phép cho thuốc chuyển giao công nghệ và tạo điều kiện cho các thuốc này sớm lưu hành trên thị trường.
"Ngoài ra, việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính liên quan đến các mô hình chuyển giao công nghệ có thể thu hút nhiều đầu tư vào chuyên môn từ các công ty đa quốc gia vào Việt Nam và, về lâu dài, sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước, đồng thời duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu," bà Viatris nói.
Về phía cơ quan nghiên cứu, theo TS.Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, ngành dược phẩm Việt Nam không chỉ cần cải thiện về mặt công nghệ sản xuất mà còn phải phát triển các chính sách nhân lực và cơ sở hạ tầng phù hợp để tiếp nhận và làm chủ công nghệ.
Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm yêu cầu đầu tư rất lớn, thời gian dài và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đòi hỏi một chiến lược toàn diện, bao gồm việc tăng cường đào tạo nhân lực, cải thiện năng lực nghiên cứu, đồng thời phát triển hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược phẩm.