Đổi thay ở Mường Lát

Những năm qua, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời thực hiện nhiều chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả đã giúp Mường Lát từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung hướng dẫn đồng bào Mông xây dựng mô hình trồng rau sạch.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Chung hướng dẫn đồng bào Mông xây dựng mô hình trồng rau sạch.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đã đề ra.

Cùng với đó, huyện đã phát huy hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Năm 2024, huyện đã huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 968,5 tỷ đồng. Hạ tầng cơ sở được đầu tư theo hướng kết nối, đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông. Công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại trên địa bàn từng bước phát triển. Dịch vụ thương mại cũng phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Trong nông nghiệp, xác định phát triển lúa nếp Cay Nọi - một loại lúa nếp đặc sản, cũng là sản phẩm OCOP 3 sao trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, đến nay, toàn huyện có gần 1.000ha diện tích trồng lúa nước, trong đó có 700ha trồng lúa nếp Cay Nọi. Mặc dù mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ, nhưng lúa cho năng suất và giá trị cao.

Trong phát triển kinh tế, huyện xác định vấn đề quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của bà con. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, đa phần người dân đã thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, tự lực vươn lên phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả mang lại kinh tế cao cho người dân, như: Mô hình trồng sắn gắn liên kết bao tiêu sản phẩm, tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, vịt siêu trứng, nuôi ếch thương phẩm, chăn nuôi bò sinh sản giống địa phương, trồng cây trẩu, trồng dưa hấu... Hội LHPN huyện Mường Lát phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả 17 mô hình phát triển kinh tế; các mô hình đã tạo sinh kế, hỗ trợ cho các gia đình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Trước đây, gia đình chị Sung Thị Lâu ở bản Pù Toong, xã Pù Nhi thuộc hộ nghèo của xã do thiếu đất sản xuất và không có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ được hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng theo Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát, giai đoạn 2016–2020”, cùng với đó, chị được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do xã tổ chức; được hỗ trợ vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư mua thêm cây, con giống để mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình chị Lâu đã phát triển đàn bò lên 12 con, hơn 200 con gà, 1ha xoan, 6 sào lúa, 1ha mía. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị thu lãi trên 100 triệu đồng. Có kinh tế, gia đình chị đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện ước đạt 28,9 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,85%.

Bài và ảnh: Thiện Nhân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-thay-o-muong-lat-235795.htm
Zalo