Phát triển đô thị xanh, giữ gìn hồn quê Việt
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng sống tại các đô thị ở mức cao, phát triển nông thôn bền vững và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền.
Ngày 3/10/2024, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 và cung cấp thông tin, dữ liệu quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo thẩm quyền và quy định.
Trước đó, ngày 22/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Quyết định số 891/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu về tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 đạt trên 50%, năm 2050 đạt 70%, với số lượng đô thị toàn quốc từ khoảng 1.000 đến 1.200 đô thị, trong đó hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, có thu nhập tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước.
Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành nhằm hướng đến các mục tiêu đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển bền vững hệ thống đô thị theo mạng lưới, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị, nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, thân thiện môi trường góp phần hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc.
Phát triển các đô thị là “trung tâm” chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, làm động lực phát triển kinh tế các vùng đô thị tạo hiệu ứng “tích tụ”, “kết nối” và “liên kết” chặt chẽ với nông thôn tại các vùng trên địa bàn cả nước; tăng cường hợp tác quốc tế.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, quy hoạch hướng đến việc nâng cao chất lượng sống tại các đô thị ở mức cao, phát triển nông thôn toàn diện, bền vững gắn với phát triển đô thị, đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp. Phát triển kinh tế, xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Bà Trần Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia là một kim chỉ nam rất là quan trọng cho các địa phương để khi các quy hoạch đô thị, quy hoạch khu chức năng và quy hoạch nông thôn cũng như hệ thống hạ tầng kết nối có định vị một cách rõ ràng, định hướng một cách thống nhất.
Trước kia, chúng ta có những nghiên cứu và cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998, đó là định hướng phát triển đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên được thể chế hóa, đưa vào hệ thống pháp luật, đưa quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn nằm trong quy hoạch ngành quốc gia để đặt vào vị trí cũng như tầm quan trọng mang tính chiến lược.
Theo bà Trần Thu Hằng, có một điểm mới, đó là cùng với quy hoạch, định hướng hệ thống đô thị thì chúng ta cũng định hướng cả khu vực nông thôn. Trên cả nước tỷ lệ đô thị hóa đang từ 42%, giai đoạn tới sẽ là trên 55%. Chính vì vậy, sự chuyển tiếp của đô thị và khu vực nông thôn được đô thị hóa thì cần phải định hướng một cách thận trọng nhất.
"Làm sao mà chúng ta vẫn đáp ứng những mục tiêu phát triển đô thị, nhưng bên cạnh đó vẫn giữ được bản sắc của nông thôn, nhất là khu vực đem lại những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa và cần phải bảo tồn", bà Trần Thu Hằng mong muốn.
Triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh việc phát triển dàn trải
Theo ông Lê Hoàng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), trong quá trình triển khai tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ, liên kết, tích hợp, tổng hợp các ý kiến góp ý từ các Bộ ngành, các địa phương, các cơ quan liên quan. Quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến làm việc trực tiếp, gửi văn bản tổng hợp ý kiến, tổ chức chuỗi hội thảo tham vấn 3 miền Bắc, Trung, Nam.
TS. Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy hoạch lần này đã đề cập đến một số vấn đề lớn. Trước đây, quy hoạch chỉ đề cập đến các điểm đô thị nhưng đến thời kỳ này đã đề cập đến là vùng đô thị. Tức là các mối quan hệ của những đô thị lớn, trung tâm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc đô thị khác ở những vùng kinh tế trọng điểm trong mối quan hệ đối với cả những vùng xung quanh.
Đồng thời, Quy hoạch này cũng đã đề cập đến một số những đô thị và trung tâm đô thị quốc gia, đô thị chuyên ngành... Đây là những đô thị có lợi thế trên những lĩnh vực phát triển riêng như cảng logictics, thương mại, tài chính, du lịch.
"Sau khi quy hoạch này được phê duyệt thì tôi nghĩ rằng các tỉnh phải cần phải có những kế hoạch để triển khai thực hiện phát triển hệ thống đô thị để đảm bảo theo những cái định hướng mà chúng ta đưa ra. Chúng ta phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh việc phát triển dàn trải và trong phát triển đô thị thì chúng ta phải quan tâm, tiệm cận được cả đến những mức sống của người dân", TS. Phạm Thị Nhâm cho hay.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm, huy động nguồn lực. Trong đó, các cơ quan của Bộ Xây dựng chủ động tổ chức nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế chính sách, thể chế, quy định pháp luật về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để tổ chức thực hiện Quy hoạch theo các định hướng đã được phê duyệt; nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.