Phát triển đô thị sinh thái với tư cách là một động lực thúc đẩy nền kinh tế xanh

Tại Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài 'Hoàn thiện cơ chế tài chính, chính sách thuế nhằm phát triển mô hình đô thị sinh thái ở Việt Nam' tổ chức, các đại biểu đề nghị, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về khu đô thị sinh thái với tư cách là một động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Đô thị sinh thái - giải pháp để tạo ra không gian xanh

Trong những năm vừa qua, vấn đề xây dựng đô thị sinh thái đang ngày càng phổ biến trong giới kinh doanh bất động sản. Đây là khẳng định của nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Vũ Thị Vinh tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận về đô thị sinh thái và cơ chế tài chính bảo đảm cho sự phát triển đô thị sinh thái”.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), TS. Nguyễn Minh Tân. Ảnh H.Ngọc

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), TS. Nguyễn Minh Tân. Ảnh H.Ngọc

Trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những thị trấn huyện lỵ phía Tây Hà Nội như: Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đều được quy hoạch phát triển trở thành thị trấn sinh thái mật độ thấp dựa trên nâng cấp từ các thị trấn hiện hữu.

Đối với TP. Hải Phòng, ngày 24.1.2019, Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu chung là: Xây dựng và phát triển đô thị Hải Phòng là đô thị cảng biển văn minh, hiện đại, là đô thị trung tâm cấp quốc gia, thành phố kinh tế, thành phố sinh thái.

Phát triển đô thị sinh thái tại TP. Hồ Chí Minh được các chuyên gia cho rằng rất cần thiết, nhất là trong điều kiện dân số phát triển quá nhanh, mật độ xây dựng cao, chất lượng sống của người dân bị suy giảm. Trong đó, những địa phương có điều kiện phát triển đô thị sinh thái không chỉ huyện Cần Giờ, mà còn có Củ Chi, Hóc Môn…

"Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã gây ra những áp lực về rác thải, khí thải... khiến cho lượng khí nhà kính tại các đô thị gia tăng, dẫn đến nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Phát triển đô thị sinh thái chính là giải pháp để tạo ra không gian xanh và cân bằng trong quá trình phát triển của đô thị”.

Nhấn mạnh như vậy, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng nêu rõ, đô thị sinh thái không dừng lại ở việc tạo nên sự hòa hợp giữa phát triển và môi trường, phát triển cân bằng với tự nhiên, quan trọng hơn, cần bảo đảm đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và hoàn trả cho tự nhiên những tác động tích cực. Để đạt được mục tiêu trên, cần thiết có những định hướng chính sách để thúc đẩy và khuyến khích các đô thị quy hoạch và thiết kế hướng tới phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh với môi trường có chất lượng sống tốt, tăng trưởng kinh tế đồng hành với thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo đảm năng lực nội tại ứng phó với các thách thức phát triển.

Chưa có các quy định pháp lý để xác định tiêu chuẩn của đô thị sinh thái

Nhấn mạnh các đô thị Việt Nam có điều kiện thuận lợi để xây dựng theo mô hình đô thị sinh thái, đại diện trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, PGS.TS Lương Tú Quyên nêu rõ, quỹ đất xây dựng của nước ta còn rộng rãi và môi trường tự nhiên tương đối nguyên vẹn. Hơn nữa, tài nguyên sinh vật phong phú, lượng mưa nhiều, số giờ nắng trong năm cao vì nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới gió mùa. Các đô thị lớn của nước ta có lợi thế trong việc sinh thái hóa các không gian ở và không gian công cộng để cân bằng lại phần nào quá trình xây dựng.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh H.Ngọc

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh H.Ngọc

Đại diện trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lưu ý “cần nhanh chóng áp dụng, triển khai mô hình đô thị sinh thái vì các đô thị nước ta đang phải đối diện với thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ắch tắc giao thông, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu gia tăng… làm suy giảm hệ sinh thái và lãng phí nguồn lực”.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), TS. Nguyễn Minh Tân cho biết, dù đầu tư, phát triển đô thị sinh thái là cần thiết nhưng hệ thống văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định chính thức khái niệm về “đô thị sinh thái” cũng như chưa đặt ra các tiêu chí cụ thể khi xem xét đánh giá một đô thị có phải là đô thị sinh thái hay không. Các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Quy hoạch xây dựng năm 2015 hoàn toàn chưa đề cập đến khái niệm này.

Ngày 5.1.2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2006/NĐ-CP quy định về Quy chế khu đô thị mới, trong đó “Dự án khu đô thị mới” được định nghĩa là dự án đầu tư xây dựng một khu đô thị đồng bộ có hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác, được phát triển nối tiếp đô thị hiện có hoặc hình thành khu đô thị tách biệt, có ranh giới và chức năng được xác định phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Dù đây là văn bản pháp quy đầu tiên của nước ta về “khu đô thị mới”, nhưng cũng chưa rõ nội hàm “khu đô thị mới sinh thái” là gì và khái niệm “đô thị sinh thái” cũng chưa được quy định.

Thông tư số 09/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về việc đánh giá, công nhận khu đô thị kiểu mẫu đã có những tiêu chí cụ thể về tỷ lệ đất giao thông, cấp nước, cây xanh… cho một khu đô thị kiểu mẫu, nhưng cũng chưa đề cập cụ thể tới tiêu chí sinh thái.

Năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, nhưng cũng chưa có quy định cụ thể thế nào là đô thị sinh thái.

"Việc chưa có các quy định pháp lý để xác định tiêu chuẩn của đô thị sinh thái dẫn đến thiếu các cơ chế tài chính, chính sách thuế nhằm thúc đẩy sự phát triển, hình thành đô thị sinh thái ở nước ta". Nhấn mạnh điều này, TS. Nguyễn Minh Tân đề nghị, thời gian tới cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về khu đô thị sinh thái; trong đó có chính sách, pháp luật về tài chính, thuế và các cơ chế chính sách có liên quan để thúc đẩy, kích hoạt phát triển mô hình đô thị sinh thái, với tư cách là một động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/phat-trien-do-thi-sinh-thai-voi-tu-cach-la-mot-dong-luc-thuc-day-nen-kinh-te-xanh-i380392/
Zalo