Phát triển dịch vụ logistics xanh

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) nói chung và Đồng Nai nói riêng có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Trong đó, các địa phương trong vùng ngày càng chú trọng đến phát triển dịch vụ, chuỗi cung ứng logistics theo hướng xanh, bền vững.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Quân

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Quân

Để xây dựng chuỗi cung ứng xanh, sau các công đoạn sản xuất xanh, sản xuất tiết kiệm, hạn chế ô nhiễm, sử dụng vật liệu xanh... thì logistics xanh là giai đoạn tiếp theo. Khi đó, các doanh nghiệp, địa phương xây dựng, áp dụng hệ thống vận tải xanh để đưa các sản phẩm xanh đến tay người tiêu dùng.

Thúc đẩy chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh

Thời gian qua, nhiều địa phương vùng ĐNB đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số, phát triển công nghệ số. Trong đó, logistics là một trong những lĩnh vực được các địa phương, doanh nghiệp quan tâm để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh.

Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng ĐNB và cả nước. Tỉnh chú trọng hiện đại hóa Cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình “cảng xanh, logistics xanh” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng biển Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh của quốc gia để tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư, đặc biệt trong các ngành logistics và cảng biển, đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững.

Tại Đồng Nai, đầu năm 2024, tỉnh đã ban hành đề án với mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm mức phát thải khí nhà kính bằng 0 để đạt net zero. Theo đó, Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Đề án Net zero. Lộ trình này cũng được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với lĩnh vực logistics, trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2030, Đồng Nai sẽ hình thành 4 trung tâm logistics lớn. Trong đó bao gồm trung tâm logistics phía Nam, phía Đông Bắc của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm logistics Tổng kho trung chuyển miền Đông tại huyện Trảng Bom, Trung tâm logistics tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.

Mới đây nhất, vào tháng 2-2025, Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An (Công ty Cảng Phước An) tổ chức lễ đón chuyến tàu quốc tế đầu tiên của Hãng MSC, hãng tàu lớn nhất thế giới, cập Cảng Phước An.

Cảng Phước An là cảng biển, có quy mô gần 800 hécta, tổng vốn đầu tư gần 20 ngàn tỷ đồng, là cảng biển có quy mô lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, Cảng Phước An được chia thành các phân khu cảng và phân khu dịch vụ hậu cần.

Tổng giám đốc Công ty Cảng Phước An Trương Hoàng Hải chia sẻ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và cam kết thực hiện trách nhiệm môi trường, Cảng Phước An xác định net zero là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển dài hạn. Cảng Phước An sẽ triển khai các giải pháp giảm phát thải carbon thông qua việc đầu tư vào hạ tầng cảng xanh, hiện đại hóa trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch với phần lớn hệ thống vận hành chuyển đổi sang điện khí hóa.

Bên cạnh đó, Cảng Phước An sẽ chủ động kết nối và đồng hành cùng các hãng tàu, doanh nghiệp logistics và đối tác trong chuỗi cung ứng, cùng nhau kiến tạo hành lang vận tải xanh quốc tế. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là động lực giúp nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của ngành cảng biển Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Hiện nay, ĐNB là vùng tập trung hạ tầng logistics quan trọng của cả nước. Trong đó, vùng có cụm cảng biển lớn nhất cả nước (Tân Cảng Cát Lái, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải). Vùng ĐNB có khoảng 14,8 ngàn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước…

Đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy tăng trưởng xanh

Vùng ĐNB trở thành một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất - nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐNB được bổ trợ bởi hệ thống các cảng biển, sân bay, hệ thống đường giao thông… trên địa bàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, vùng ĐNB nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng xanh trong lĩnh vực logistics...

Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp ở vùng ĐNB, trong đó có Đồng Nai, có thể tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đem lại hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố chính như: phát triển, xuất khẩu xanh, chuyển đổi công nghệ…

Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐNB do Bộ Công thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thành phố theo đuổi chiến lược xuất khẩu bền vững, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh” trong thương mại quốc tế. Đồng thời, hướng tới “xanh” hóa sản phẩm - xuất khẩu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp, thân thiện với môi trường để xây dựng hình ảnh “xanh” của doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE), tiến sĩ Trần Quý nhận định, vị trí chiến lược của Đồng Nai nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa các tỉnh miền ĐNB và Tây Nguyên. Điều này mang lại cho tỉnh lợi thế vượt trội trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp, dịch vụ theo hướng bền vững, trong đó có lĩnh vực logistics. Đồng thời, Đồng Nai cũng có thể tận dụng cơ sở hạ tầng phát triển sẵn có, cùng với lực lượng lao động dồi dào để trở thành một trong những địa phương tiên phong trong quá trình chuyển đổi số gắn liền với tăng trưởng xanh.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202502/phat-trien-dich-vu-logistics-xanh-76b7161/
Zalo