Phát triển công nghiệp văn hóa ở TPHCM: Xây dựng hạ tầng văn hóa là nền tảng tất yếu

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công nghiệp văn hóa đang nổi lên như một trụ cột quan trọng. Việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa tại TPHCM không chỉ đóng góp vào sự gia tăng GRDP, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế sáng tạo mà còn nâng cao vị thế của thành phố, một đô thị sáng tạo của thế giới.

Công nghiệp văn hóa song hành cùng thành phố sáng tạo

Theo nhiều nhà nghiên cứu, công nghiệp văn hóa được hiểu là một chuyên ngành sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, phục vụ nhu cầu tinh thần trong đời sống xã hội. Sản phẩm của công nghiệp văn hóa phải chuyển tải được nội dung, thông điệp đạo đức của dân tộc Việt Nam, phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc ra thế giới.

 Lễ hội Áo dài TPHCM góp phần quảng bá hình ảnh TPHCM và thu hút du khách quốc tế. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lễ hội Áo dài TPHCM góp phần quảng bá hình ảnh TPHCM và thu hút du khách quốc tế. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Tại tọa đàm khoa học chủ đề “Phát triển công nghiệp văn hóa ở TPHCM - Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo” do Sở VH-TT TPHCM, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp cùng Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức, GS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH-NV, phân tích: “TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy tính năng động và quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa. Khi công nghiệp văn hóa phát triển, hiệu quả mang lại là việc đóng góp kinh tế vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và nâng cao chất lượng sống của người dân. Điều đó cũng là một tiêu chí quan trọng của thành phố sáng tạo”.

Việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế, mà còn đóng vai trò như một phương tiện để bảo tồn, phát huy và quảng bá bản sắc văn hóa đặc thù. NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, nhìn nhận: “Thành phố đang nỗ lực để gia nhập, trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đó chính là cơ sở thuận lợi để phát huy không gian văn hóa của thành phố nói chung và các không gian văn hóa cụ thể. Hay nói một cách thiết thực là hoàn thiện các thiết chế văn hóa cần thiết, nơi mà người dân có thể tự hào về bản sắc văn hóa của mình, đồng thời có cơ hội tiếp cận, tham gia vào những diễn đàn văn hóa đa dạng và đa chiều”.

Hợp tác công - tư để hoàn thiện thiết chế văn hóa

Xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, cơ sở hạ tầng là bước đi nền tảng, tất yếu trong đường dài phát triển công nghiệp văn hóa. Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi nguồn ngân sách, nhân lực công còn hạn chế thì việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào sự phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng là rất cần thiết.

 8WONDER Winter 2024 lần đầu tiên mang định nghĩa siêu nhạc hội đến Việt Nam với quy mô hoành tráng, đa dạng hoạt động trải nghiệm từ nhạc hội đến lễ hội, cùng dàn nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu trong và ngoài nước

8WONDER Winter 2024 lần đầu tiên mang định nghĩa siêu nhạc hội đến Việt Nam với quy mô hoành tráng, đa dạng hoạt động trải nghiệm từ nhạc hội đến lễ hội, cùng dàn nghệ sĩ tên tuổi hàng đầu trong và ngoài nước

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, chia sẻ: “Từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời, lĩnh vực văn hóa không thuộc đối tượng áp dụng của luật này nên việc thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp và tư nhân cho lĩnh vực này còn rất hạn chế, thiếu cơ sở pháp lý. Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa là một cơ hội để chúng ta có thể kêu gọi đầu tư nhằm phát triển cho lĩnh vực này”.

Nhằm tận dụng cơ hội mà Nghị quyết 98 mang lại, vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa và thể thao thành phố. Tại hội nghị, thành phố đã chính thức kêu gọi đầu tư với 40 dự án, trong đó có 23 dự án đã được HĐND TP thông qua danh mục đầu tư với 5 dự án ưu tiên đầu tư với tổng vốn trên 2.300 tỷ đồng; 18 dự án giới thiệu để nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư với tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng.

Mặt thuận lợi đã được nhìn thấy, nhưng còn không ít khó khăn cần khắc phục, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phân tích: “Việc triển khai thực hiện theo phương thức PPP trên lĩnh vực văn hóa còn khá mới, có nhiều đặc thù riêng, do đó việc triển khai thực hiện theo 7 loại hợp đồng như luật quy định là chưa phù hợp, cần mở rộng các loại hình hợp đồng có tính đặc thù như lĩnh vực văn hóa. Như việc làm rõ sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong các dự án để nhà đầu tư thuận lợi khi tham gia đầu tư. Có chính sách khuyến khích và ưu đãi nhà đầu tư thực hiện theo phương thức PPP. Có các cơ chế khuyến khích hỗ trợ tài chính, thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển các thiết chế quan trọng, trọng điểm cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Trong đó, cần đảm bảo vấn đề tình trạng mặt bằng, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng”...

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-o-tphcm-xay-dung-ha-tang-van-hoa-la-nen-tang-tat-yeu-post772767.html
Zalo