Thực tập không lương, tạo điều kiện hay bóc lột sinh viên?
Thực tập không lương là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Không ít ý kiến cho rằng đây là hình thức lợi dụng sức lao động với chi phí rẻ mạt.
- “Các bác suy nghĩ thế nào về chuyện thực tập không lương?”
- “Thực tập ở một vị trí không lương, không phụ cấp ăn trưa (tự bỏ tiền để mua đồ ăn trưa), không có vị trí chính thức để làm sau đó, làm công việc 'gần như' một nhân viên chính thức, không hỗ trợ xe đi lại. Đó là những gì tôi đã trải qua ở một công ty lớn”.
- “Thực tập là học việc nên không có lương em nhé!”
Đó là ba trong nhiều bài đăng trên mạng xã hội chia sẻ về việc doanh nghiệp không chi trả lương, phụ cấp cho thực tập sinh. Bên cạnh những công việc trả lương theo hợp đồng, hiện nay, một số công ty rao tuyển thực tập sinh (bao gồm cả sinh viên và người mới ra trường) không lương, không phụ cấp, gây ra không ít tranh cãi.
Dư luận chia phe
Tháng 3 năm nay, theo sắp xếp của trường, Mai Hương (sinh viên năm 4 tại Hà Nội) được phân làm thực tập sinh truyền thông nội bộ tại một công ty lớn. Với vị trí này, qua trao đổi với HR, Hương sẽ làm các công việc nhằm mục đích phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế lại khác, quá trình thực tập, nữ sinh chỉ được giao viết content tuyển dụng và hỗ trợ môt HR khác. Điều này đồng nghĩa với việc Hương không học được gì nhiều trong quá trình thực tập ngoài việc biết về quy trình tuyển dụng - trái với với ngành học Quản trị thương hiệu mà cô đang theo đuổi.
Dù vậy, điều khiến Hương thất vọng nhất chính là trong vòng 2 tháng, nữ sinh không nhận được chút kinh phí hỗ trợ nào từ phía doanh nghiệp, dù vẫn đóng góp được những giá trị nhất định cho công ty vì đã có kinh nghiệm trước đó.
“Trong 2 tháng, mình đều có mặt ở công ty 8 giờ/ngày, từ thứ hai đến thứ bảy, nhưng mình không được công ty hỗ dù chỉ 5.000 đồng gửi xe mỗi ngày”, Hương chia sẻ.
Nữ sinh cho hay thực tế, những sinh viên như em đi thực tập sẽ không đặt nặng việc có lương vì vẫn đang trong quá trình học hỏi, sẵn sàng đánh đổi một vài tháng để có kinh nghiệm. Nhưng đấy là trong trường hợp các em phải học được thứ gì đó từ doanh nghiệp hoặc có người hướng dẫn chất lượng.
Còn trong trường hợp này, đi làm như nhân viên chính thức, không lương, không phụ cấp, cùng với chuyện phải thực tập trái ngành khiến Hương chán nản, mất động lực cố gắng và thấy phí thời gian.
Tương tự, Trương Vĩ (sinh viên năm 4 tại TP.HCM) cũng gặp không ít trường hợp doanh nghiệp tuyển thực tập sinh làm việc trong nhiều tháng chỉ để làm những việc thời vụ, không cần chuyên môn cao, thậm chí bị coi là “chân sai vặt”.
Trong khi đó, doanh nghiệp đãi ngộ không hợp lý, không trả công hoặc trả công rất thấp, từ 200.000-1.000.000 đồng. Giải thích cho việc này, nhiều doanh nghiệp nói rằng do sinh viên chưa có kỹ năng, chưa có kinh nghiệm, doanh nghiệp còn đang phải đào tạo.
Tuy nhiên, Vĩ cho rằng lý do này chỉ đúng một nửa, bởi sinh viên, người ít kinh nghiệm đúng là cần học hỏi, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp được lấy lý do này để lợi dụng lao động.
Đồng tình với quan điểm của Hương và Vĩ, Nguyễn Việt (sinh viên năm 4 tại Hà Nội) cũng cho rằng doanh nghiệp tuyển thực tập sinh trong thời gian 3-6 tháng, nhưng không chi trả lương hay phụ cấp là hình thức bóc lột sức lao động trên danh nghĩa giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm.
Việt cho rằng với những thực tập sinh có lao động, có khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng nên có hỗ trợ.
“Không ít doanh nghiệp lấy danh nghĩa tốt đẹp là giúp sinh viên có kinh nghiệm, kỹ năng, nhưng thực ra là chiếm đoạt giá trị thặng dư từ nhân viên thực tập”, Việt nói.
Ngược lại, nam sinh cũng nhìn nhận với những bạn chưa giỏi, kinh nghiệm bằng 0 thì cũng không nên đòi hỏi doanh nghiệp, thay vào đó là nên tranh thủ tích lũy những thứ được học miễn phí ở công ty.
Tương tự, Nguyễn Quỳnh (nhân viên kinh doanh tại Hà Nội) cho rằng doanh nghiệp có thể không trả lương cho thực tập sinh, vì còn liên quan đến các chế độ khác như đóng thuế, bảo hiểm…
Nhưng ít nhất, doanh nghiệp nên có phụ cấp, vừa mang tính hỗ trợ (nhất là với những cử nhân mới tốt nghiệp, bắt đầu phải lo kinh tế), đồng thời tăng tính trách nhiệm cho thực tập sinh.
“Nhà tuyển dụng muốn có nguồn nhân sự chất lượng cao thì kèm theo đó phải có lợi ích cho thực tập sinh. Ít nhất phải có khoản này, khoản kia mới tạo động lực đi làm. Nếu không có, người giỏi chắc chắn không ứng tuyển, còn người tuyển được dễ chán nản, chỉ làm chờ đến ngày lấy dấu thực tập”, Quỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm trên, nhiều người cho rằng doanh nghiệp nhận thực tập sinh là đang tạo cơ hội để người lao động học hỏi. Các em được học tập, làm đẹp CV, trong khi doanh nghiệp mất công đào tạo mà không nhận được giá trị gì.
Vì vậy, thực tập sinh phải "biết ơn" doanh nghiệp, doanh nghiệp có phụ cấp thì tốt, không có thì cũng không nên nói là "bóc lột sức lao động".
Đãi ngộ với thực tập sinh ra sao cho hợp lý?
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Phạm Thị Tịnh, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự, Công ty Cổ phần quốc tế Nam Thành, cho hay khi nhận thực tập sinh đến làm việc, thực tế, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lương so với nhân viên chính thức.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nhận về sự nhiệt huyết, năng động, nhiều ý tưởng sáng tạo của thế hệ lao động trẻ. Họ cũng lựa chọn được nhân viên phù hợp sau quá trình sàng lọc các nhân sự thực tập, chứ không phải “không nhận giá trị gì” như nhiều người vẫn nói.
Trong khi đó, phía thực tập sinh cũng có cơ hội cọ xát thực tế với công việc, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Các em cũng có cơ hội trở thành nhân viên chính thức sau quá trình thực tập.
Tuy nhiên, cả phía thực tập sinh và doanh nghiệp cũng có thể gặp rủi ro, hạn chế. Cụ thể, khi nhận thực tập sinh, doanh nghiệp cũng sẽ mất nguồn lực và thời gian để đào tạo, quản lý, hướng dẫn. Bên cạnh đó là nguy cơ lộ lọt thông tin nếu thực tập sinh tiếp cận được mà không có cam kết rõ ràng.
Trong khi đó, với thực tập sinh, nếu doanh nghiệp không giao công việc cụ thể, các em sẽ mất thời gian, công sức mà không thu được kết quả. Ngoài ra, các em có thể chịu áp lực về chuyên môn, kỹ năng khi được giao việc mà không được hướng dẫn chi tiết.
Ngoài ra, bà Tịnh cũng thẳng thắn chỉ ra hiện tại, một số doanh nghiệp lợi dụng việc tuyển thực tập sinh nhằm mục đích tận dụng nguồn lao động mà không tốn nhiều chi phí.
Bàn về tranh cãi “doanh nghiệp có cần trả lương, phụ cấp cho thực tập sinh”, theo bà Tịnh, luật pháp hiện chưa có quy định doanh nghiệp phải trả lương cho nhân viên thực tập. Việc này sẽ tùy theo chính sách và quy định của từng doanh nghiệp để đưa ra chế độ phù hợp.
Bà Tịnh cũng đánh giá đây là mối quan hệ tự nguyện của cả hai bên, không phải là doanh nghiệp phải trả lương thì sinh viên mới thực tập, hoặc sinh viên không cần phụ cấp, thực tập chỉ để lấy kinh nghiệm. Vì vậy, hãy đánh giá việc thực tập dựa vào vào giá trị đóng góp cho doanh nghiệp, việc học và việc nỗ lực của bản thân.
“Doanh nghiệp hay thực tập sinh khi giao kết để thực hiện công việc đều nhận được lợi ích và bất lợi như nhau. Như vậy, tùy từng mục tiêu mà doanh nghiệp hay thực tập sinh lựa chọn cho mình phương án phù hợp để đáp ứng nhu cầu”, bà Tịnh nói.
Tuy nhiên, vị trưởng phòng nhìn nhận việc không chi trả lương, phụ cấp cho nhân sự có thể dẫn đến một số hạn chế như doanh nghiệp không thu hút được thực tập sinh có chất lượng. Cùng với đó, thực tập sinh cũng không làm việc nhiệt tình với nhiệm vụ được giao…
Chính vì vậy, bà Tịnh ủng hộ quan điểm nếu doanh nghiệp đã xác định tuyển thực tập sinh thì nên có trả lương cho nhân sự. Ít hay nhiều phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp để có chính sách phù hợp.
Đồng thời, để khuyến khích thực tập sinh đóng góp nhiều cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng có thể xây dựng chính sách thưởng cho thực tập sinh có thành tích xuất sắc, đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo có thể áp dụng được vào doanh nghiệp.