Phát triển cây ăn trái đặc sản phục vụ thị trường xuất khẩu
Với đặc điểm sinh thái đa dạng có 3 vùng ngọt, lợ và mặn, Sóc Trăng phát triển được đa dạng cây ăn trái và các loại trái cây đều mang hương vị đặc trưng. Với lợi thế đó, có một số loại trái cây (bưởi, xoài, nhãn, mãng cầu, sầu riêng, vú sữa, dừa...) đã được ngành Nông nghiệp tỉnh đưa vào Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản để phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ. Theo đó, các công ty, doanh nghiệp liên kết bao tiêu đầu ra xuất khẩu đem về nguồn thu nhập tốt cho nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.
Diện tích cây ăn trái của tỉnh Sóc Trăng gần 30.000ha, tập trung ở các huyện: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành và thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, bao gồm các loại cây ăn trái chủ yếu là bưởi, cam, quýt, xoài, nhãn, vú sữa, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mận, mãng cầu, ổi, dừa. Trong đó, diện tích các loại cây ăn trái sản xuất theo hướng hữu cơ là 11.004ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 113ha (bưởi, vú sữa, mãng cầu gai, xoài cát chu). Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng 125 mã số vùng trồng trên các loại cây dừa, bưởi, nhãn, sầu riêng, diện tích hơn 1.078ha để xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Úc, New Zealand, Trung Quốc và 6 mã số vùng trồng nội địa trên các loại cây là quýt đường, mận, dừa, với diện tích 88ha.
![Các công ty, doanh nghiệp đã thu mua nhiều loại trái cây đặc sản của các địa phương đưa đi xuất khẩu. Ảnh: THÚY LIỄU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_451_51440296/6926a0ea94a47dfa24b5.jpg)
Các công ty, doanh nghiệp đã thu mua nhiều loại trái cây đặc sản của các địa phương đưa đi xuất khẩu. Ảnh: THÚY LIỄU
Tính riêng trong năm 2024, các hợp tác xã sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ cùng các công ty, doanh nghiệp, với sản lượng hơn 1.679 tấn trái, gồm: vú sữa, bưởi, nhãn để xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa. Sản lượng trái cây còn lại chủ yếu bán qua thương lái để tiêu thụ tại các chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh. Trước tiềm năng có nguồn trái cây dồi dào và có đầy đủ về mã số vùng trồng đã đáp ứng tốt việc đưa trái cây xuất khẩu sang thị trường các nước nên hầu hết các hợp tác xã sản xuất trái cây trên địa bàn tỉnh mong muốn có nhiều hơn các công ty, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua trái cây đặc sản của các địa phương để xuất khẩu.
Ông Lê Văn Phải - Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Thành Công, xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chia sẻ, trong nhiều năm qua, hợp tác xã canh tác bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, được ngành chuyên môn cấp mã số vùng trồng và trái bưởi đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Mặc dù đơn vị đã có công ty ký kết hợp đồng liên kết thu mua bưởi xuất khẩu nhưng vẫn chưa được bao tiêu toàn bộ diện tích. Vì vậy, đơn vị mong muốn được công ty đang ký kết bao tiêu bưởi tăng sản lượng thu mua và mong có thêm công ty, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng thu mua hết sản lượng bưởi sản xuất trong hợp tác xã. Đơn vị cam kết sẽ tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm theo nước nhập khẩu đưa ra.
“Năm 2018, công ty là đơn vị đầu tiên tìm đến tỉnh Sóc Trăng để thu mua sản phẩm trái vú sữa tím của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và đó là lô hàng trái cây của tỉnh Sóc Trăng xuất khẩu sang Mỹ thành công. Tiếp nối những thành quả đạt được trong liên kết với các hợp tác xã trái cây tại tỉnh Sóc Trăng, trong nhiều năm qua, công ty vẫn duy trì việc thu mua trái vú sữa của các hợp tác xã để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Hiện nay, công ty đang quan tâm đến dừa, bưởi và tới đây công ty sẽ hỗ trợ tiêu thụ 2 loại trái cây này cho các hợp tác xã tại tỉnh Sóc Trăng. Để sản phẩm trái cây của tỉnh xuất khẩu tốt, ngành chuyên môn của tỉnh và nhà vườn cần quản lý thật chặt chẽ mã số vùng trồng”, ông Nguyễn Đình Mười - Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ.
Theo đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, mặc dù công tác xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa có nhiều liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp. Vì vậy, để thu hút được công ty, doanh nghiệp đến ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ trái cây của tỉnh, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất; xây dựng chuỗi giá trị trên cây ăn trái thông qua các sản phẩm chế biến. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân bỏ dần tập quán sản xuất đơn lẻ sang sản xuất theo các mô hình liên kết; hỗ trợ thành viên hợp tác xã vay vốn sản xuất. Tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng để xuất khẩu; thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, các chứng nhận về an toàn thực phẩm trên các loại trái cây. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, quảng bá thương hiệu trên địa bàn trong và ngoài nước. Mời gọi các nhà đầu tư tiêu thụ và mở rộng liên doanh, liên kết để thực hiện chuỗi giá trị một cách có hiệu quả.