Phát triển cảng xanh - tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt

Với lợi thế về hạ tầng cảng biển, ngành hàng hải Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và khai thác hệ thống cảng biển theo tiêu chí 'xanh' và bền vững, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới, gia tăng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tổ chức Hàng hải quốc tế đã đưa ra mục tiêu cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050 và Việt Nam không là ngoại lệ. Chính vì vậy, chuyển đổi sang mô hình cảng xanh là yêu cầu bắt buộc và là điều kiện tiên quyết để ngành hàng hải nước ta cạnh tranh và hội nhập với thế giới.

Đề án phát triển cảng xanh được chia thành từng giai đoạn, nhưng quan trọng nhất là giai đoạn 2023-2025 sẽ điều chỉnh quy định liên quan đến quản lý, đầu tư và xây dựng cảng biển phù hợp với tiêu chí cảng “xanh”. Vì thế, đòi hỏi trong năm 2025 này, việc hoàn thiện các tiêu chí về cảng xanh cần nỗ lực thực hiện. Song song với quá trình đầu tư khai thác hệ thống cảng biển, một yêu cầu đi cùng là DN cảng cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, áp dụng công nghệ để tăng tính kết nối trong các hoạt động vận tải - một phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

“Trong đột phá về hạ tầng, công ty tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các dự án cảng nước sâu. Trong đó, tập trung nguồn lực lớn nhất phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Triển khai sớm những điều này nâng tầm cạnh tranh hàng hải lên tầm quốc tế và khu vực. Công ty tiếp tục triển khai hoàn thiện các bến 3, 4 cảng Lạch Huyện, các cảng nước sâu qua cảng Liên Chiều, Đà Nẵng”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) phân tích.

Các cảng tại Việt Nam nhanh chóng tìm phương án “xanh hóa” để hiện thực mục tiêu phát triển kinh tế biển

Các cảng tại Việt Nam nhanh chóng tìm phương án “xanh hóa” để hiện thực mục tiêu phát triển kinh tế biển

Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, tăng trưởng hàng hóa tại cảng biển Việt Nam mỗi năm đều ở mức hai con số, được đánh giá là một mức tăng trưởng tốt. Nguồn đầu tư về cảng và hàng hải đang đổ dồn vào Việt Nam, tạo cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển lớn. Trong xu thế phát triển chung, Việt Nam phải chọn hướng phát triển để bảo đảm xanh, sạch và bền vững phù hợp với xu thế toàn cầu.

Ông Phạm Hoài Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC) cho rằng, đây là xu hướng cạnh tranh có tính bền vững cao và cùng thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải phát triển. “Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các hình thức phát triển cảng biển theo hướng phát triển cảng xanh. Khi đó, Việt Nam sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư hệ thống cảng biển đồng bộ và bền vững. Khi Việt Nam có hệ thống cảng biển phát triển, giảm chi phí logistics, từ đó tăng sức cạnh tranh của các DN trên trường quốc tế”, ông Chung nhận định.

Trên thế giới hiện có khoảng 70% số tàu hàng đóng mới đã chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh. Điều này đòi hỏi các cảng tại Việt Nam cũng phải nhanh chóng tìm phương án “xanh hóa” để hiện thực mục tiêu phát triển kinh tế biển. Thực tế tế tại cảng Đà Nẵng, năm 2025 đặt mục tiêu tiếp tục tập trung nguồn lực để mở rộng, phát triển hệ thống cảng biển, tập trung kết hợp khoa học công nghệ, tiếp tục đổi mới sáng tạo, cải tiến để không ngừng hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác cảng biển và logictics.

“Cảng Đà Nẵng quyết tâm tiếp tục số hóa để tăng năng lực, giảm chi phí, tạo điều kiện tối ưu nhất cho khách hàng. Hiện nay cảng Đà Nẵng đã áp dụng quy trình bán tự động hóa, khách hàng chỉ cần ở nhà cũng làm được thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động”, ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng nêu.

Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng xanh sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn

Đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng xanh sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn

Khi các cảng biển được đầu tư xây dựng để đón được tàu tải trọng lớn vào/ra sẽ tăng sức cạnh tranh rất lớn. Ví dụ như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, việc mở cổng kết nối hai cảng giữa Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT) và cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) sẽ tăng năng lực khai thác cảng.

Việc hợp tác mở cổng kết nối, khai thác cầu bến chung giữa 2 cảng này được đánh giá là giải pháp liên minh tiên phong, hợp tác khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển nước ta. Việc hợp tác này với mục tiêu tận dụng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từ đó hình thành một bến cảng liên thông với tổng chiều dài cầu tàu dài hơn, nâng cao năng lực khai thác, tăng năng lực tiếp nhận tàu của cả 2 bên.

“Cảng Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng nước sâu, cảng cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó thời gian qua mức tăng trưởng rất cao. Việc không phải đầu tư thêm cầu cảng, nhưng vẫn tạo ra năng lực 400.000 TEU/năm là sự đột phá, thắng lợi cho các cảng”, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) làm phép tính so sánh.

Bàn về xu hướng phát triển cảng xanh hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, TS. Hoàng Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) chỉ rõ, đối với cảng xanh, công nghệ chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, để tăng sức cạnh tranh thì sự hợp tác giữa DN cảng, trong đó có Portcoast cần tiếp tục thúc đẩy, trên cơ sở triển khai đồng bộ nhiều ứng dụng hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số.

Mô hình cảng xanh là yêu cầu bắt buộc và là điều kiện tiên quyết để ngành hàng hải cạnh tranh và hội nhập với thế giới

Mô hình cảng xanh là yêu cầu bắt buộc và là điều kiện tiên quyết để ngành hàng hải cạnh tranh và hội nhập với thế giới

Các chuyên gia và DN trong lĩnh vực cảng cho rằng, chính sự đầu tư xây dựng phát triển hệ thống cảng xanh sẽ mở ra cơ hội hợp tác rất lớn, các cảng có thể đón siêu tàu container, tạo ra khí thế và động lực phát triển mới, năng động hiệu quả cho các cảng. Điều này giúp gia tăng đáng kể doanh thu và lợi nhuận cho các DN khai thác cảng, góp phần củng cố vị thế của cảng trong khu vực, tăng sức cạnh tranh của các DN trong chuỗi dịch vụ logistics của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Hà Nho/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-cang-xanh-tang-suc-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-viet-post1153645.vov
Zalo