Rắn giun (Ramphotyphlops braminus) được coi là một trong những loài rắn kỳ lạ nhất thế giới. Chúng được ghi nhận khá phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Hong Kong Snakes.
Chúng có bề ngoài rất giống giun đất với đầu và đuôi tròn, da màu nâu sẫm. Các cá thể trưởng thành của loài rắn này dài không quá 23 cm. Ảnh: Wikimedia Commons.
Mõm rắn tương đối hẹp, chiếm khoảng 20 - 33 % chiều rộng của đầu. Do tập tính sống trong đất như giun nên mắt rắn giun thoái hóa, chỉ còn một cặp chấm nhỏ hầu như không có tác dụng thị lực. Ảnh: Dutch Caribbean Species Register.
Loài bò sát này ưa những khu vực đất xốp, ẩm ướt, có thảm thực vật phân hủy, là nơi chúng có thể tìm thức ăn là ấu trùng, trứng... của các loài côn trùng nhỏ như kiến, mối. Ảnh: Hong Kong Snakes.
Đặc điểm độc đáo nhất của rắn giun là sinh sản đơn tính. Rắn cái đẻ từ 1-8 trứng kích thước 2x6 mm, không có sự thụ tinh của con đực. Ảnh: Florida Museum.
Tất cả trứng nở ra đều là giống cái, có các đặc tính di truyền giống hệt con mẹ. Chưa có cá thể đực nào của loài rắn giun được các nhà khoa học tìm thấy. Ảnh: Florida Museum.
Ở Việt Nam, loài rắn này hiện diện khắp ba miền, kể cả ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Trên thế giới, chúng được tìm thấy trên hầu khắp châu Á nhiệt đới và một số khu vực của châu Á ôn đới. Ảnh: Dutch Caribbean Species Register.
Ngoài ra rắn giun cũng được ghi nhận châu Phi, vùng Trung Đông châu Mỹ. Ở một số nơi, chúng không phải loài bản địa mà được du nhập qua các hoạt động nông nghiệp. Ảnh: iNaturalist.
Con người thường nhầm lẫn rắn giun với giun đất khi nhìn thấy chúng trong đất trồng cây. Đặc điểm phân biệt của chúng với giun là thân không phân đốt, nhìn kĩ sẽ thấy các vảy nhỏ. Ảnh: Publish0x.
Ở Việt Nam, có lời đồn rằng rắn giun rất độc. Trên thực tế, loài rắn nhỏ này không có độc vào hoàn toàn vô hại với con người. Hàm của chúng nhỏ và yếu đến mức không thể gây ra nổi một vết xước trên da người. Ảnh: Wildlife Travel.
Trong sách đỏ IUCN, rắn giun được xếp vào diện "Ít quan tâm" do có vùng phân bố rộng. Dù vậy, số lượng của chúng đang suy giảm ở nhiều nơi do quá trình đô thị hóa và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Thai National Parks.
Mời quý độc giả xem video: Khi động vật hoang dã kêu cứu | VTV24.
TD (TH)