Phát phiếu mua sắm cho người dân để kích cầu tiêu dùng: Nên hay không?

Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore có chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng hoặc cung cấp phiếu mua sắm - voucher. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên xem xét việc phát voucher cho người dân sử dụng để kích cầu tiêu dùng.

Sáng 4/10, tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ và 200 doanh nhân, đại diện doanh nghiệp tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất, đóng góp cho phát triển kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Một trong những nội dung được chú ý là kiến nghị của bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC, về việc Chính phủ xem xét phát phiếu mua sắm cho người dân để kích cầu tiêu dùng.

Theo bà Ngọc, từ đầu năm, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".

Một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines lựa chọn chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân tiêu dùng. Singapore cung cấp phiếu mua sắm với các chương trình hỗ trợ tài chính tương tự. Bà Ngọc cho rằng, đối với Việt Nam, nên chăng xem xét việc cung cấp phiếu mua sắm để người dân sử dụng trong thời hạn nhất định.

“Những voucher này tập trung cân đối được những mặt hàng cần kích cầu và nhu cầu thực tế của người dân. Như vậy, hàng hóa, dịch vụ được lưu thông, Nhà nước thu được ngân sách, hệ sinh thái logistics và các dịch vụ đi kèm được phát triển… sẽ thêm vào các chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, vì bản thân phiếu voucher chính là cách giảm thuế thu nhập cá nhân”, bà Ngọc phân tích.

Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC, kiến nghị Chính phủ xem xét phát phiếu mua sắm cho người dân để kích cầu tiêu dùng.

Bà Huỳnh Bích Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC, kiến nghị Chính phủ xem xét phát phiếu mua sắm cho người dân để kích cầu tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo Đề án “Kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước”. Một trong các nhóm giải pháp cấp bách được xác định để kích thích cầu tiêu dùng, từng bước phục hồi thị trường trong nước đến cuối năm 2024 và các năm tiếp là nghiên cứu, đề xuất các chương trình phát voucher mua hàng.

Theo cơ quan soạn thảo, do hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, thu nhập của người lao động giảm đáng kể nên gói kích cầu tiêu dùng cần được đến trực tiếp với đối tượng cần được hỗ trợ là công nhân, những người thu nhập thấp.

Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá, đề xuất phát voucher mua hàng cho người lao động rất thiết thực. Giải pháp này có thể góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ hàng hóa, phục hồi sản xuất, tăng trưởng nền kinh tế.

Chuyên gia này nhận định, nếu phát một voucher cho người lao động, họ mua sắm gấp 2 - 3 lần thì Nhà nước thu về được thuế VAT, hàng hóa tồn kho của doanh nghiệp được giải phóng. Sức mua tăng, doanh nghiệp mạnh dạn cải tiến đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Người lao động có thêm thu nhập sẽ tiếp tục chi tiêu. Khi làm ăn có lời, doanh nghiệp sẽ đóng thuế thu nhập sẽ về ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ông Điền lưu ý cần có tiêu chí đối tượng thụ hưởng, mỗi người lao động được phát một hay hai voucher mua hàng… Từ đó đề ra gói ngân sách cụ thể hỗ trợ nhóm người lao động và doanh nghiệp cho phù hợp: "Khi xây dựng chính sách, gói hỗ trợ cần phân tích kỹ càng, nếu không dẫn đến bất công, phản tác dụng, khó khả thi".

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đối với hình thức tặng voucher thì cách phát thế nào, xét duyệt ra sao dễ xảy ra cơ chế xin - cho, dẫn đến sự không công bằng. Do đó, có khả năng giải pháp này khó thuyết phục, không hiệu quả, đồng thời gây ra bất cập tiêu cực.

Ông Long cho rằng, trong kích cầu tiêu dùng, cách tốt nhất là Nhà nước tạo điều kiện tăng thu nhập cho người dân, khuyến khích tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển tốt thông qua các chính sách thuế, tín dụng... Quan trọng là khuyến mãi thực chất để khuyến khích người dân tăng tiêu dùng.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/phat-phieu-mua-sam-cho-nguoi-dan-de-kich-cau-tieu-dung-nen-hay-khong-1102819.html
Zalo