Phát triển công trình xanh - Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn

Sáng 4/10, tại Cung Triển lãm Kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia, Bộ Xây dựng phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024 với chủ đề 'Phát triển công trình xanh - Chuyển động từ chính sách đến hành động thực tiễn'.

Các đại biểu tham dự Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024.

Các đại biểu tham dự Phiên toàn thể Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam 2024.

Theo số liệu thống kê, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt khoảng 500 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng hơn 12 triệu m2. Số lượng công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện nay đã vượt chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Ngoài việc tăng nhanh về số lượng, loại hình công trình đạt chứng nhận cũng được mở rộng sang nhiều loại hình công trình, bao gồm cả công trình có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tháo gỡ vướng mắc trong phát triển công trình xanh

Thứ trưởng Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Phiên toàn thể.

Thứ trưởng Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại Phiên toàn thể.

Phát biểu tại Phiên toàn thể, Thứ trưởng Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển các công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch nền kinh tế theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn sâu về công trình xanh, nhận thức của một bộ phận chủ đầu tư, người sử dụng các sản phẩm, dịch vụ về công trình xanh còn nhiều hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển công trình xanh, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh trong đó có các dự án công trình xanh; Quy định về danh mục dự án được tiếp cận nguồn tín dụng xanh; Nghiên cứu đề xuất quy định về dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng vào nội dung dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong năm 2025.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tổ chức triển khai và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong việc áp dụng các tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư, phát triển các dự án nhà ở xã hội theo tiêu chí công trình xanh; rà soát, sửa đổi QCVN 09:2017/BXD, tiếp tục nghiên cứu xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng; nghiên cứu để công bố suất vốn đầu tư cho đầy đủ các loại hình công trình để tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình xanh.

Từng bước giảm phát thải khí nhà kính trong xây dựng

Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh phát biểu tại Phiên toàn thể.

Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh phát biểu tại Phiên toàn thể.

Theo Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Vũ Ngọc Anh, trong mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) đến 2030, Bộ Xây dựng sẽ phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 trong 3 lĩnh vực: các quá trình công nghiệp; tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; vận hành tòa nhà. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Bộ Xây dựng cũng Phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26” đều đặt ra các mục tiêu, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2025.

Tuy nhiên trên thực tế, trong giai đoạn 2014-2020, lượng phát thải khí nhà kính quá trình sản xuất vật liệu xây dựng (60,33 triệu tấn lên 95,95 triệu tấn) và quá trình tiêu thụ điện trong tòa nhà (38,01 triệu tấn lên 61,72 triệu tấn) tại Việt Nam đều tăng lên rất cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng đã vạch ra Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành Xây dựng. Cụ thể:

Đối với ngành sản xuất xi-măng, các giải pháp đề ra là tận dụng nhiệt thải phát điện; sử dụng máy nghiền hiệu suất cao; giảm tiêu thụ điện khác; giảm tỷ lệ clinker trong xi-măng bằng việc sử dụng phụ gia khoáng hóa thiên nhiên và chất thải từ các ngành công nghiệp khác; sử dụng chất thải chứa năng lượng làm nhiên liệu thay thế nhiên liệu tự nhiên.

Đối với quá trình vận hành tòa nhà, giải pháp là sử dụng thiết bị làm mát (điều hòa, tủ lạnh) hiệu suất cao; cải tạo, sửa chữa công trình theo hướng giảm phát thải khí nhà kính...

Đẩy mạnh các công trình xanh

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã trình bày một số tham luận với các nội dung: Phong trào Xây dựng Công trình Xanh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới; Dự báo cung-cầu và tương lai của các công trình, bất động sản xanh trước những cải cách về chính sách phát triển công trình xanh; Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng: từ định hướng đến các giải pháp kiến trúc cho công trình; phát triển công trình xanh thông qua nguồn tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại.

Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam chia sẻ tại Phiên toàn thể.

Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam chia sẻ tại Phiên toàn thể.

Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam chia sẻ, trên thế giới, số lượng chứng nhận công trình bền vững có sự khác biệt lớn trên toàn cầu, tiêu biểu như châu Phi có Nam Phi với 1.080 công trình, châu Mỹ có Hoa Kỳ với 85.495 công trình, châu Âu có Anh với 18.262 công trình… Nhiều Hội đồng công trình xanh và các quốc gia đã phát triển các hệ thống đánh giá phát thải ròng carbon bằng 0. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, số lượng công trình xanh tăng nhanh với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chứng nhận công trình xanh, lành mạnh và hiệu quả về tài nguyên, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với 23.776 công trình.

Về nguồn tài chính xanh, 75% chủ sở hữu đã áp dụng tài chính xanh với 21 tỷ USD từ trái phiếu xanh được phát hành cho các dự án bất động sản vào năm 2022 tại châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, chứng nhận công trình xanh LOTUS đang ngày càng tăng lên nhanh với tổng số chứng nhận công trình là 79. Hệ thống LOTUS Homes Core và Shell mới đã có bản thử nghiệm vào năm 2023; đồng thời, cập nhật chứng nhận LOTUS NC v4, bảo đảm tính tuần hoàn, vận hành không phát thải cacbon, thiết kế chống chịu và thích ứng tốt, bình đẳng và tiếp cận.

Theo TS,KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ. Trước đây, chuyển đổi xanh chỉ tập trung cho khu vực đô thị, nhưng đến nay, khu vực nông thôn ngày càng trở nên quan trọng, không kém đô thị.

Chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần thực hiện mạnh mẽ bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng, phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ. Các công trình, tổ hợp công trình hình thành mới cần xác định mục tiêu bền vững và cụ thể, còn các công trình, tổ hợp đã hình thành trước khi chuyển đổi xanh cần có sự đánh giá hiện trạng để chuyển đổi phù hợp…

Tại phiên toàn thể còn diễn ra tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chủ đầu tư về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, bất động sản… Đồng thời, trao Chứng nhận công trình xanh và Giải thưởng Báo chí viết về Công trình xanh năm 2024.

* Trước đó, ngày 3/10, Bộ Xây dựng đã khai mạc Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024 tại Cung Triển lãm Kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia. Chủ đề của sự kiện năm nay là “Phát triển công trình xanh: Chuyển biến từ chính sách đến hành động” đã thu hút đông đảo đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, tư vấn, công nghệ xanh, tài chính xanh, vật liệu xanh.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm các sản phẩm, công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm các sản phẩm, công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng.

Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam là sự kiện được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 theo Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các chiến lược, chương trình, kế hoạch về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở thành công qua ba lần tổ chức sự kiện vào các năm 2020, 2022, 2023, Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam năm 2024 tập trung thảo luận các chính sách mới trong lĩnh vực phát triển công trình xanh tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển công trình xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng cao với công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua sự kiện, Ban tổ chức sẽ tập hợp ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để đề xuất các cơ chế, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công trình xanh, đô thị xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải trong lĩnh vực xây dựng.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2024, Ban tổ chức đã khai mạc triển lãm các sản phẩm, công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng như: vật liệu xanh, sinh thái, tiết kiệm năng lượng; giới thiệu các nhà đầu tư, doanh nghiệp; giới thiệu công nghệ xây dựng, mô hình quản lý dự án xanh… Đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện, bao gồm: một phiên toàn thể, bốn hội thảo chuyên đề về: Phát triển nhà ở, bất động sản theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng; Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: giải pháp phát triển bền vững cho tương lai xanh; Quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và hạ tầng xanh; Kết hợp hiệu quả các giải pháp công nghệ và thiết bị hướng đến công trình tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải.

Xuân Thủy

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-cong-trinh-xanh-chuyen-dong-tu-chinh-sach-den-hanh-dong-thuc-tien-post834868.html
Zalo