Phạt nặng vẫn không sợ?
Nhiều người biết vi phạm sẽ bị phạt nặng nhưng vẫn cố tình, có thể họ nghĩ chủ quan rằng lỗi của mình sẽ không bị phát hiện. Người bị phạt sẽ là ai đó chứ không phải họ.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM diễn ra chiều 9/1, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an TP.HCM cho biết, kể từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, từ ngày 1 - 7/1, lực lượng CSGT TP.HCM phát hiện 11.830 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 4.300 phương tiện, tước gần 2.100 giấy phép lái xe.
Tổng số tiền phạt trong gần 1 tuần khoảng 42,5 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày hơn 6 tỷ đồng và tăng 11 tỷ đồng so với thời gian liền kề trước đó.
Các lỗi vi phạm gồm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố, dừng đỗ không đúng quy định, không chấp hành hiệu lệnh đèn giao thông...
Không riêng TP.HCM, nhiều địa phương cũng ghi nhận số tiền phạt tăng khi áp dụng Nghị định 168.
Tại Hà Nội, sau một tuần áp dụng quy định mới, toàn thành phố đã xử lý hơn 5.600 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 14 tỷ đồng…
Theo quy định mới, với các lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… người lái ô tô bị phạt 18 - 20 triệu đồng, trừ 3 điểm giấy phép lái xe. Mức phạt này cao gấp hơn 3 lần so với quy định trước đó.
Với người lái xe máy, trường hợp vượt đèn đỏ bị phạt 4 - 6 triệu đồng (trước đó 800 nghìn - 1 triệu đồng); đi ngược chiều phạt 4 - 6 triệu đồng (trước là 1 - 2 triệu đồng); lạng lách, đánh võng phạt 8 - 10 triệu đồng (trước từ 6 - 8 triệu đồng)...
Như vậy có thể thấy, việc tăng mức tiền phạt đương nhiên sẽ kéo theo tổng số tiền phạt tăng lên.
Tuy nhiên, số vi phạm cũng cho thấy một thực tế là dù phạt nặng, vi phạm giao thông vẫn rất nhiều.
Theo thống kê của Cục CSGT, ngày 9/1, toàn quốc xảy ra 30 vụ TNGT, làm chết 11 người, bị thương 26 người. Lực lượng CSGT xử lý 13.183 trường hợp vi phạm, phạt tiền 37 tỷ đồng.
Ngày 8/1, xảy ra 37 vụ tai nạn làm chết 20 người, bị thương 21 người; lực lượng CSGT xử lý 13.877 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 38 tỷ đồng.
Ngày 7/1, xảy ra 48 vụ, làm chết 25 người, bị thương 39 người; CSGT xử lý 12.338 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 34 tỷ đồng…
Đáng chú ý, mỗi ngày, có từ 2.000 - 3.000 "ma men" lái xe bị xử phạt, tương tự là lỗi vi phạm tốc độ cũng có hàng nghìn trường hợp bị xử lý.
Tại sao phạt nặng, nhiều người vẫn vi phạm? Phải chăng mức phạt rất cao theo Nghị định 168 chưa đủ răn đe?
Tôi nghĩ không phải như vậy. Mức phạt mới chắc chắn khiến nhiều người biết sợ. Hình ảnh trên các tuyến đường những ngày qua đã cho thấy điều đó: Rất hiếm người đi xe máy trên vỉa hè hay vượt đèn đỏ; tại các ngã tư, việc dừng xe chờ đèn tín hiệu ngay ngắn.
Đặc biệt là cánh tài xế xe công nghệ, đến nay cảnh vô tư vượt đèn đỏ, chạy bạt mạng, leo lên vỉa hè để đi… đã gần như không còn. Nhiều trường hợp bị phạt 5 triệu đồng chắc chắn sẽ đủ sức răn đe những tài xế khác.
Nói không quá, đó là những hình ảnh chưa từng có tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Có lẽ, số lượng vi phạm vẫn cao là bởi ý thức tham gia giao thông của một số người.
Nhiều người biết vi phạm sẽ bị phạt nặng nhưng vẫn cố tình, có thể họ nghĩ chủ quan rằng lỗi của mình sẽ không bị phát hiện. Người bị phạt sẽ là ai đó chứ không phải họ.
Có những người sợ, nhưng lại tuân thủ kiểu nửa vời, đối phó. Có nghĩa là họ nhận thức được nhưng lại thiếu ý thức chấp hành.
Trên nhiều diễn đàn, không ít người kêu ca về mức phạt quá cao, cũng như băn khoăn về nhiều tình huống, sợ sẽ bị phạt oan.
Tuy nhiên, tất cả đều không đưa ra được bằng chứng về trường hợp cụ thể nào.
Kiểu như: "Nhỡ đang đi mà đèn tín hiệu trục trặc thì làm thế nào?"; "nhường đường cho xe cứu thương nhưng camera ở đó không ghi nhận thì phải chứng minh ra sao?"…
Dự thảo đã được đưa ra lấy ý kiến trong thời gian rất dài, nhưng đến khi ban hành, áp dụng trong thực tế, một số người lại tỏ ra ngỡ ngàng: "Sao phạt nặng thế?".
Ở góc độ nào đó, phải khẳng định việc tăng mức tiền phạt chỉ là một phần, ngoài ra còn có những quy định mới, bao gồm tước giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện, trừ điểm giấy phép lái xe…
Mục tiêu nhằm giảm thiểu vi phạm, thiết lập lại kỷ cương, trật tự ATGT, xử lý một vụ việc, một trường hợp nhưng lan tỏa rộng rãi, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT.
Vấn đề quan trọng hiện nay là cần đẩy mạnh tuyên truyền, vì dù sao việc xử phạt diễn ra khi sự đã rồi.
Làm sao để ai cũng ý thức việc nghiêm chỉnh chấp hành mới là chìa khóa để kéo giảm tai nạn giao thông.
Và dù có phạt nặng hơn nữa, nếu không vi phạm thì ai phạt?