Phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng
Gần dân, sát dân, nhiệt tình, trách nhiệm, các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) từ cấp cơ sở và tạo ra các công dân số.
1. Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, bảo đảm tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, đến nay, 188/188 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Long An thành lập TCNSCĐ tại từng ấp, khu phố, với 998 tổ và 5.485 thành viên tham gia. Mỗi TCNSCĐ có từ 4-12 thành viên. Các thành viên TCNSCĐ là trưởng khu phố/ấp, đoàn viên, thanh niên, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp, Hội Nông dân, trong đó nòng cốt là thanh niên (có hơn 4.980/5.485 thành viên là đoàn viên, thanh niên).
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, TCNSCĐ ở các địa phương phát hơn 32.000 tờ rơi tuyên truyền CĐS trực tiếp đến hộ dân; triển khai hơn 2.000 cuộc tuyên truyền, vận động người dân nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Mạng lưới Tổ CNSCĐ, các Đội hình IT Xanh của Đoàn Thanh niên thường xuyên hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận "một cửa" các xã, phường, thị trấn từ 1-2 ngày trong tuần với hơn 58.000 tài khoản người dân được hỗ trợ thực hiện; hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức cho hơn 203.400 hộ gia đình.
Ngoài ra, TCNSCĐ, các Đội hình IT Xanh hướng dẫn hơn 255.600 hộ gia đình và 23.673 đoàn viên, thanh niên cài đặt nền tảng Long An Số, nâng tổng số lượng cài đặt, truy cập sử dụng nền tảng Long An Số trên địa bàn tỉnh hơn 406.800 lượt người dùng, góp phần giúp tỉnh tiếp nhận, xử lý và trả lời 2.330 phản ánh, kiến nghị của người dân qua Hệ thống 1022; phối hợp lực lượng công an tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện Đề án 06 của Chính phủ giúp thu nhận 1.351.439 hồ sơ tài khoản định danh điện tử mức 2, đã kích hoạt 975.628 tài khoản cho người dân, tuyên truyền việc triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID hoặc ứng dụng VssID.
Đặc biệt, TCNSCĐ, các Đội hình IT Xanh hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt cho hơn 180.300 hộ gia đình; phối hợp các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 279 cửa hàng tiện ích, 41 chợ trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, Mobile Money. Toàn tỉnh hiện có 2.275.567 người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng.
Tổ trưởng TCNSCĐ ấp Cả Bản, Bí thư Chi bộ ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Ngọc Trai cho biết, với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, các thành viên trong Tổ tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh và huyện tổ chức. Qua đó, các thành viên nắm bắt các kỹ năng số, tích cực đến các gia đình hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số.
Mục tiêu mà Tổ đặt ra là mỗi gia đình có ít nhất một người biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh, từ đó, họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn các thành viên khác trong gia đình thực hiện. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến về CĐS, người dân bước đầu làm quen với khái niệm CĐS, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số chính là giải pháp quan trọng giúp các TCNSCĐ phổ cập kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả để thay đổi nhận thức về CĐS của mỗi người dân.
2. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân cho biết, qua 3 năm thực hiện mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, bảo đảm người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề tiếp cận được công nghệ số, nhất là khu vực nông thôn đã tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp cơ quan nhà nước giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 99,9%; góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 2 trong cả nước. Hiện tỉnh hoàn thành xây dựng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; kết nối, đưa vào khai thác chính thức các dịch vụ công liên thông giữa tỉnh với các bộ, ngành Trung ương.
Để tiếp tục phát huy vai trò của TCNSCĐ, thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã và TCNSCĐ tăng cường phổ biến, quán triệt nhận thức sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, tầm quan trọng của TCNSCĐ. Xác định rõ các nội dung công việc phù hợp với thực tiễn, phân công cụ thể theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm” và thực hiện bám sát theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở. Quá trình thực hiện cần huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin tại địa bàn để hỗ trợ các TCNSCĐ trong triển khai, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số phục vụ xã hội số.
Đồng thời, Sở thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực, kỹ năng về CĐS cho thành viên TCNSCĐ; tiếp tục phổ biến khóa học “Phổ cập kỹ năng số cộng đồng” trên nền tảng học trực tuyến đại trà do Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai đến các thành viên trong Tổ, xem đây là tài liệu chính thức, cẩm nang quan trọng trong hoạt động của TCNSCĐ./.