Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tây Nguyên cần tự chủ vùng nguyên liệu
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên do Bộ NN&PTNT tổ chức thu hút nhiều nhà đầu tư.
Ngày 30-10, tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng Tây Nguyên, thu hút hơn 100 nhà đầu tư là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (thuộc Bộ NN&PTNT), nói Tây Nguyên đang kỳ vọng chào đón những dự án đầu tư chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo dựng một nền nông thôn mới khởi sắc, bền vững, cải thiện đời sống của hơn sáu triệu người với 54 dân tộc anh em vùng Tây Nguyên.
Theo Bộ NN&PTNT, năm tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng là vùng đất có nhiều tiềm năng với hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp, thuận lợi trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả.
Trong đó, có đến 668.000 ha cà phê, 228.000 ha cao su, 77.000 ha hồ tiêu, 75.000 ha sầu riêng...
Những năm gần đây, nông nghiệp khu vực Tây Nguyên tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5%/năm, xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt hơn 3,6 tỉ USD, tăng 28% so với năm 2022.
Ông Đỗ Hữu Lương, Tổng giám đốc Công ty CP Giống nông lâm Gia Lai, cho rằng hạ tầng logistics Tây Nguyên còn thiếu liên kết, thủ tục hành chính còn chồng chéo. Ông Lương đề nghị chính quyền các địa phương cải cách tốt hơn, tăng cường đầu tư vào xây dựng hạ tầng.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trước đây sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên chủ yếu là trồng trọt. Gần đây, lĩnh vực chăn nuôi có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư. Từ sự phát triển nhanh chóng này dẫn đến lượng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng nhanh, đặt ra bài toán cần tự chủ nguồn thức ăn. Bởi nếu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thì rủi ro lớn khi đứt gãy nguồn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tận dụng tối đa lợi thế về đất đai để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Chính quyền các địa phương cung cấp nhiều hơn nữa thông tin, thế mạnh của địa phương, mở rộng không gian để doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần ngồi lại với nhà đầu tư để đánh giá, gỡ vướng về thể chế, chính sách... Qua đó, tăng cường phát triển hệ sinh thái nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Các doanh nghiệp cần chuẩn cho hành trình dài hơn, vượt qua các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu tại các thị trường ở nước ngoài; làm vai trò như cố vấn cho các địa phương.
Tại hội nghị, tỉnh Gia Lai trao quyết định chủ trương đầu tư cho bốn doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi; trao hai biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai với hai doanh nghiệp.
Tỉnh Đắk Lắk trao quyết định chủ trương đầu tư cho hai doanh nghiệp; tỉnh Đắk Nông trao biên bản ghi nhớ hợp tác cho ba doanh nghiệp, hợp tác xã.