Phát huy vai trò phụ nữ trong việc tham gia các tổ chức kinh tế tập thể

Trong nhiều năm qua, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, bao gồm các hợp tác xã (HTX), quỹ tín dụng Nhân dân, tổ hợp tác (THT) do phụ nữ làm chủ, lãnh đạo và điều hành; đồng thời, ưu tiên trong công tác tư vấn vận động thành lập, bồi dưỡng kiến thức quản lý, xúc tiến thương mại, bố trí nguồn vốn vay ưu đãi...

Các HTX do nữ quản lý hiện nay đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như bán hàng qua các trang thương mại điện tử

Các HTX do nữ quản lý hiện nay đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như bán hàng qua các trang thương mại điện tử

Ông Bùi Quang Tùng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho biết, đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5 Liên hiệp HTX, 436 THT và 573 HTX; trong đó, có 463 HTX nông nghiệp, 85 HTX phi nông nghiệp, 25 quỹ tín dụng Nhân dân. Riêng trong 9 tháng đầu năm, thành lập mới 30 HTX đạt 100% kế hoạch. Tổng thành viên tham gia trong HTX trên 75.300 thành viên; trong đó, trên 9.400 thành viên HTX nông nghiệp, trên 62.700 thành viên quỹ tín dụng Nhân dân, còn lại là thành viên HTX phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh có trên 11.700 lao động tham gia trong HTX; trong đó, lao động thường xuyên gần 1.900 lao động. Doanh thu trung bình của các HTX hoạt động hiệu quả năm 2023 đạt 2,5 tỷ đồng, với lợi nhuận bình quân của HTX gần 300 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên từ 6-7 triệu đồng/tháng; doanh thu trung bình của quỹ đạt 53 tỷ đồng, lợi nhuận trung bình đạt hơn 6,5 tỷ đồng; tổng số tiền thuế, phí, lệ phí của các HTX, quỹ tín dụng Nhân dân đã nộp ngân sách nhà nước trên 29 tỷ đồng.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 116/573 HTX do phụ nữ quản lý, điều hành, chiếm tỷ lệ 20,1%. Cụ thể, 17 quỹ tín dụng Nhân dân, 74 HTX nông nghiệp, 11 HTX vận tải và 13 HTX thương mại, tiểu thủ công nghiệp. Các HTX do nữ quản lý, điều hành hoạt động loại khá khoảng 50,4%, trung bình trên 27,9% và ngưng hoạt động 21,7%. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu của HTX do nữ quản lý, điều hành trong lĩnh vực như nông nghiệp, tín dụng, vận tải, tiểu thủ công nghiệp và thương mại.

Theo ông Bùi Quang Tùng, HTX nông nghiệp do nữ quản lý, điều hành có vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết, bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hoạt động của HTX còn góp phần thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, an sinh xã hội thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh, có 110 HTX đáp ứng tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; trong đó, có vai trò của HTX do nữ quản lý, điều hành. Ngoài ra, HTX tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã cùng chính quyền xây dựng và phát triển các sản phẩm tiềm năng, chủ lực, có lợi thế so sánh của địa phương, kết quả có 9 HTX do nữ quản lý, điều hành (chiếm tỷ lệ 23,7% trên tổng số hợp tác xã có sản phẩm OCOP) với 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Bên cạnh đó, nhiều chị em phụ nữ sẵn sàng vận động thành viên cùng góp vốn, huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị trong sơ chế, đóng gói các sản phẩm sau thu hoạch hình thành chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng với nhãn hiệu như THT Oh Mi K'Ho Coffee (Di Linh), HTX Hiền Thi (Lạc Dương), HTX Phụ nữ trùn quế Đơn Dương (Đơn Dương)...

Hiện nay, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm theo các kênh truyền thống, các HTX do nữ quản lý, điều hành đã và đang nhanh chóng thích ứng với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng thông qua việc phát triển các trang thương mại điện tử như facebook, zalo, shoppe… Việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử giúp HTX mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên và hộ nông dân liên kết như mô hình HTX Macca DiLin (Di Linh), HTX Vườn Nhà Đà Lạt (Đà Lạt), HTX Hạt điều Lê Gia (Cát Tiên). Hơn nữa, việc ứng dụng khoa học kĩ thuật, chuyển đổi số vào sản xuất giúp các HTX nâng cao năng suất, chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định như HTX Công nghệ cao An Thủy (Đà Lạt), HTX Nông nghiệp Thịnh Phát (Đức Trọng). Đến nay, một số HTX do nữ quản lý đã dần chủ động được nguồn hàng đảm bảo chất lượng, số lượng xuất khẩu qua các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… thông qua đơn vị thứ 3 như HTX Kinh doanh thương mại dịch vụ chế biến nông sản Di Lin (Di Linh), xuất khẩu trung bình 30 tấn hạt mắc ca qua thị trường Đài Loan; HTX Chuối Laba Banana Đạ K’nàng (Đam Rông)…

“Trong thời gian đến, để khuyến khích phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế tập thể, HTX. Trong đó, đơn vị sẽ phối hợp với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh để tiếp tục truyền cảm hứng, nuôi dưỡng những khát vọng, ý tưởng khởi nghiệp, ước mơ để phụ nữ có thề hình thành những THT, HTX gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời, phối hợp triển khai đề án "Hỗ trợ hợp tác xã phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2024-2030" để tiếp tục phát triển và xây dựng mô hình HTX, THT do nữ quản lý, điều hành làm mô hình điểm để tham quan học tập và nhân rộng trong toàn tỉnh” - ông Tùng cho hay.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202411/phat-huy-vai-tro-phu-nu-trong-viec-tham-gia-cac-to-chuc-kinh-te-tap-the-ad32b3d/
Zalo