Phát huy vai trò nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng

Việc phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng thời đại hội nhập kinh tế phát triển là hết sức quan trọng.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng đắn, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, việc phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong cuộc chiến đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong thời đại hội nhập kinh tế phát triển hiện nay là hết sức quan trọng.

C.Mác từng viết “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào không có quyền lợi” (Trích C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H.1995.1.16,tr.25). Trên thực tế, ở bất kỳ quốc gia nào, tất cả nhân dân ở quốc gia nào cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định theo quy định của pháp luật.

Nhân dân có quyền tham gia vào công việc quản lý nhà nước, phê bình, kiểm tra, kiểm soát, giám sát mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước. Mọi nguồn lực mà Bác Hồ khẳng định chân lý đó qua câu nói “Gốc có vững cây mới bền xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”

Thực tế lực lượng nhân dân rất lớn, khả năng của nhân dân là phi thường. Trong tất cả mọi vấn đề, nếu có nhân dân là có tất cả. Vì vậy, tất cả các lĩnh vực nhà nước quản lý, vai trò của quần chúng nhân dân là không thể thiếu.

Một vài điều về công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng

Công tác chống buôn lậu có ảnh hưởng đến thành quả cách mạng, công cuộc đổi mới của đất nước. Bởi tác hại lâu dài của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đến người dân và nghiêm trọng hơn làm giảm uy tín của Đảng nhà nước trong nhân dân. Những nhân tố tác động đến tệ nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gồm:

Nhân tố kinh tế: Do ham mê lợi ích kinh tế trước mắt, lợi ích của bản thân mà các chủ thể hoạt động bất chấp tất cả. Đồng thời, nền kinh tế nước ta chuyển đổi nhưng vẫn còn hạn chế về dây chuyền sản xuất, trong khi sản phẩm của các nước có chất lượng cao kèm theo mẫu mã đẹp, do vậy tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước ta rất thấp.

Nhân tố xã hội: Đời sống kinh tế khó khăn, nhiều người dân bị lôi kéo, tiếp tay trong buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng,….Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn làm góp phần nẩy sinh một bộ phận muốn làm giàu nhanh chóng bằng con đường phi pháp

Nhân tố văn hóa: Việc giao lưu văn hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người dân. Trong đó, tâm lý sính ngoại, thiếu coi trọng hàng Việt đặc biệt giới trẻ hiện nay, chịu ảnh hưởng nhiều phim, ca nhạc, truyền hình có khuynh hướng lăng xê tiêu dùng hàng ngoại.

Nhân tố về hệ thống pháp luật: hệ thống pháp luật của nước ta gắn liền với hoạt động kinh tế, đời sống nhân dân, đa dạng các lĩnh vực, tuy nhiên vẫn chưa được đồng bộ hóa, nhiều văn bản pháp luật vẫn còn sơ hở, thiếu sót.

Nghiên cứu chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng cần phân tích và không bỏ qua các nhân tố tác động có mối quan hệ chặt chẽ ảnh hưởng đến kết quả chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giá trong tình hình mới; Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23/9/2015 ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ.

Vai trò của nhân dân trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng

Chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng không phải là nhiệm vụ chuyên biệt của các cơ quan chức năng mà là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân. Sự quan tâm của các cấp, chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả kiểm tra công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Một nhân tố then chốt khác là sự tham gia của quần chúng nhân dân.

Lực lượng quản lý thị trường là một trong những cơ quan chức năng đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ tác hại của tệ nạn buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp chúng nhân dân tích cực chống tệ nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi tệ nạn này không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, phá hoại sản xuất mà nghiêm trọng hơn còn là nguy cơ đối với tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành Kế hoạch công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chú trọng và xây dựng kế hoạch công tác tuyên tuyền. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị trực thuộc đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Lực lượng quản lý thị trường đã tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh, từng cơ sở kinh doanh và kể cả người tiêu dùng để tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức như cam kết, dán tờ rơi, khuyến cáo, dán decan đường dây nóng, treo băng rôn, tổ chức hội nghị, loa di động, … đặc biệt cập nhật rất nhiều thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường địa phương. Chính các hoạt động này đã góp phần nâng cao tích cực nhận thức trong quần chúng nhân dân, kêu gọi mọi người phát huy trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân, tích cực tố giác về buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong đó, có rất nhiều nguồn thông tin chính xác và hiệu quả.

Lực lượng Quản lý thị trường phải quản lý phạm vi rộng, nhưng lực lượng mỏng, trang bị phương tiện còn thiếu, trong khi nhiệm vụ, yêu cầu công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng phải dựa vào sức dân, động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân theo lời Bác Hồ dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để làm tốt công tác tuyên truyền, chuyển biến nhận thức của quần chúng nhân dân, cần phải:

Thứ nhất, chú trọng công tác giáo dục tư tưởng văn hóa, nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đề cao tinh thần yêu nước, gắn liền với lối sống cần kiệm và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, thường xuyên thông tin cho người dân các thủ đoạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để quần chúng nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tích cực tham gia chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thứ ba, phát huy sức mạnh của công luận trong vấn đề ích nước, lợi dân, tôn vinh doanh nghiệp chân chính, đề cao lối sống tín nghĩa, cao thượng, tẩy chay các doanh nghiệp bẩn.

Thứ tư, phát triển mạnh mẽ truyền thông hơn nữa về lực lượng Quản lý thị trường cũng như các cơ quan chức năng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để quần chúng nhân dân tin tưởng hơn nữa lực lượng Quản lý thị trường, các cơ quan chức năng. Từ đó, quần chúng nhân dân đứng về cùng chiến tuyến với lực lượng Quản lý thị trường, cơ quan chức năng trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Nhóm tác giả Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ngãi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-huy-vai-tro-nhan-dan-trong-dau-tranh-chong-buon-lau-hang-gia-hang-kem-chat-luong-365634.html
Zalo