Trung tâm huấn luyện động vật nghiệp vụ đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba
Ngày 23-12, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tổ chức lễ đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.
Ngày 15-12-1959, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp là cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, lớp đào tạo cán bộ huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên ở Việt Nam được khai giảng tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh Nhân dân) với 44 học viên.
Đây chính là những người đặt nền móng cho sự ra đời của lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ CAND Việt Nam.
Ngày 19-3-2019, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 1714/QĐ-BCA, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (trung tâm) thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ.
Là đơn vị nghiệp vụ đặc thù thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ, có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; huấn luyện động vật nghiệp vụ; chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe động vật nghiệp vụ; trang bị động vật nghiệp vụ cho công an các đơn vị, địa phương,...
Trải qua 65 năm thành lập, Trung tâm đã chiêu sinh 59 khóa đào tạo, 31 khóa tập huấn với trên 5.500 học viên và trang bị trên 5.200 chó nghiệp vụ cho các đơn vị nghiệp vụ, công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, Trung tâm còn đào tạo cho các lực lượng ngoài ngành như: Kiểm lâm, Quân khí quân đội, điển hình là 16 khóa cho lực lượng Hải quan với gần 300 cán bộ và 300 chó nghiệp vụ phát hiện các chất ma túy.
Trung tâm còn tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyên ngành huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ với Bộ Nội vụ Beralus với 30 học viên; đào tạo giúp Bộ Công an Lào 6 khóa với tổng số 70 học viên và bồi dưỡng nguồn cán bộ khung để xây dựng Cục Huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ; giúp Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia 10 khóa với 145 học viên.
Trung tâm đã tham gia công tác bảo vệ, phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm nổi bật như: tham gia chống bạo loạn chính trị tại Tây Nguyên (2001- 2004); giải quyết các điểm nóng tại 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung (Hà Nội), Mường Nhé (Điện Biên); đảm bảo an ninh trật tự tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận,...
Thực tiễn cho thấy, khi có lực lượng quản lý, sử dụng động vật nghiệp vụ tham gia đã có tác dụng răn đe, uy hiếp tội phạm, làm giảm sự quá khích, manh động của đối tượng, góp phần cùng các lực lượng chức năng giải quyết nhanh gọn vụ việc, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho cán bộ thực thi nhiệm vụ…
Trong những năm gần đây, chó nghiệp vụ đã hỗ trợ, giúp sức cho các lực lượng chức năng điều tra các vụ án hình sự và tham gia tìm kiếm cứu nạn rất hiệu quả như vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007; vụ sạt lở đất tại mỏ than Phấn Mễ, Đại Từ, Thái Nguyên; vụ sập mỏ đá tại Tân Sơn, Phú Thọ,...
Tại Lễ đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba cho Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ thông tin một số Dự án trọng điểm mà Bộ Công an đang đầu tư cho Bộ Tư lệnh CSCĐ:
Dự án xây dựng Sân bay Gia Bình, tại tỉnh Bắc Ninh (tổng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2024-2028);
Dự án Trung tâm Huấn luyện Quốc gia về Phòng chống khủng bố giai đoạn 2 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ 2024 đến 2030);
Dự án xây dựng doanh trại Đoàn CSCĐ Kỵ binh và Đội Kỵ binh số 1 tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng; thời gian thực hiện từ 2024 đến 2027).