Phát huy vai trò liên kết sản xuất, tiêu thụ của các hợp tác xã nhãn
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ngày càng cạnh tranh, các hợp tác xã (HTX) trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã và đang chủ động đẩy mạnh liên kết trong chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng nhãn.
HTX Nông nghiệp Xanh Phố Hiến, xã Tân Hưng mới thành lập được 3 năm, song đã khẳng định vai trò là “cầu nối” quan trọng giữa nông dân và thị trường. Với quy mô diện tích 20 ha trồng nhãn, trong đó cùi cổ và Hương Chi là hai giống nhãn chủ lực. Không chỉ dừng lại ở những buổi thảo luận, chia sẻ về kinh nghiệm, định hướng phát triển giống nhãn đặc sản để chuyên canh, cùng kỹ thuật chăm sóc nhãn cho 29 thành viên, HTX còn hỗ trợ người dân tiêu thụ nhãn. Năm 2024, HTX đã thành công trong việc quảng bá và tiêu thụ nhãn quả tươi cùi cổ với giá bán tại vườn từ 110.000 đến 120.000 đồng/kg. Vụ nhãn năm nay, ước sản lượng nhãn cùi cổ đạt khoảng 35 – 40 tấn quả.

Đến tháng 7/2025, HTX Nông nghiệp Xanh Phố Hiến đã liên kết tiêu thụ 30 tấn nhãn cùi cổ.
Theo bà Bùi Thị Hường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Phố Hiến, HTX đã kết nối tiêu thụ thành công 30 tấn nhãn cùi cổ thông qua hợp đồng bao tiêu. Để đạt được kết quả này, HTX tập trung hướng dẫn thành viên canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời đầu tư bao bì đồng bộ nhằm nâng cao giá trị nhãn tươi.
Đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo thông qua đa dạng kênh phân phối, bao gồm sàn thương mại điện tử, hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp và siêu thị.
Ông Bùi Xuân Tám, thành viên HTX Nông nghiệp Xanh Phố Hiến hồ hởi cho biết, vườn nhãn 1 ha của gia đình ông dự kiến đạt sản lượng 10 tấn, tăng 30% so với năm ngoái. “Nhờ HTX chủ động mở rộng thị trường và ký kết các đơn hàng lớn, tôi cùng các thành viên khác yên tâm không lo "được mùa mất giá".
Cũng nằm trên địa bàn xã Tân Hưng, HTX cây ăn quả và chế biến nông sản Tân Hưng đang đảm bảo tiêu thụ nhãn và nông sản cho 148 thành viên, với 27 ha nhãn. Ông Hoàng Văn Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: Mong muốn chế biến và đưa các loại nông sản, đặc sản của quê hương vươn ra thị trường ngoại tỉnh, thị trường quốc tế, những năm qua, HTX không ngừng đổi mới cách nghĩ, cách làm. Từ những đặc sản truyền thống tại địa phương như long nhãn, hạt sen, bột sắn… chúng tôi đã nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để sản xuất sản phẩm phù hợp với thị hiếu và đem lại giá trị cao, bền vững hơn cho HTX. Hiện tại, HTX giữ mối bao tiêu sản phẩm với gần 30 đơn vị, doanh nghiệp. Thu nhập của các thành viên luôn ổn định từ 200 đến 300 triệu đồng/năm, có thành viên thu nhập 500 triệu đồng/năm.

Ngoài nhãn tươi, HTX nhãn cây ăn quả và chế biến nông sản Tân Hưng còn chế biến, tiêu thụ nhiều sản phẩm khác.
Bằng cách làm mới, tận dụng nền tảng xã hội để mở rộng liên kết và bao tiêu sản phẩm, nhiều năm nay, HTX nông sản sạch Minh Bảo, thôn Bình Kiều, xã Khoái Châu đã thiết lập chuỗi liên kết tiêu thụ nhãn cho tổng diện tích 25ha nhãn của các thành viên, chủ lực là T6 và nhãn siêu ngọt đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Ông Phạm Đức Long, Giám đốc HTX cho biết, từ những đầu mối tiêu thụ thân quen, chúng tôi sử dụng các nền tảng xã hội để để quảng bá sản phẩm và thiết lập những bạn hàng mới để mở rộng thị trường, từ đó tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn.

Ông Phạm Đức Long, Giám đốc HTX nông sản sạch Minh Bảo chăm sóc nhãn.
Theo Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên, hiện nay toàn tỉnh có 992 HTX, trong đó có 25 HTX trồng nhãn, với 313 thành viên. Phần lớn các HTX trồng nhãn đang thực hiện hiệu quả vai trò là cầu nối trong hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, sản xuất, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm… từ đó giúp nâng cao năng lực sản xuất, nhận thức thị trường cho các thành viên và những hộ nông dân trong chuỗi liên kết.
Việc xây dựng phương án kinh doanh, kết nối mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi được các HTX nhãn chú trọng đầu tư, góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.