Hướng tới xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo

Dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đang được hoàn thiện để trình HĐND thành phố Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 8-2025.

Đây là bước đi cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 và Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, hướng tới xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo dẫn dắt cả nước.

Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng

Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp mới, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành động lực hàng đầu cho phát triển kinh tế - xã hội.

Giới thiệu giải pháp chiếu sáng của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam”.

Giới thiệu giải pháp chiếu sáng của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông tại sự kiện “Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam”.

Hà Nội hiện là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 và 2024. Thành phố có gần 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chiếm hơn 30% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước. Bên cạnh đó là 32 cơ sở ươm tạo, 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh cùng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ, vườn ươm được đầu tư bài bản.

Tuy nhiên, hệ sinh thái này vẫn chưa thật sự đồng bộ. Các hoạt động đổi mới sáng tạo còn phân tán, khả năng kết nối giữa các thành phần chưa cao. Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, cơ chế tài chính và chính sách hỗ trợ còn thiếu linh hoạt, tổ chức trung gian hoạt động chưa hiệu quả; tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công còn rất khiêm tốn. Việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp. Những hạn chế này khiến tiềm năng của Hà Nội chưa được phát huy đầy đủ để tạo bứt phá trong tăng trưởng kinh tế.

Luật Thủ đô năm 2024 đã cho phép Hà Nội có điều kiện vượt trội để ban hành những chính sách đặc thù, vượt khung so với các địa phương khác, trong đó có lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì thế, việc ban hành một nghị quyết riêng quy định về cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp thành phố tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, tổ chức triển khai và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội là một trong 6 dự thảo nghị quyết về khoa học và công nghệ dự kiến trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp tháng 8-2025. Các nghị quyết này đều gắn với triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024, thể hiện nỗ lực của Hà Nội nhằm cụ thể hóa, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ vào cuộc sống.

Tạo nền tảng cho phát triển bền vững

Dự thảo nghị quyết sắp được trình HĐND thành phố xác lập một khung chính sách hỗ trợ toàn diện và đồng bộ cho các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Hà Nội, từ nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các tổ chức trung gian, nhà đầu tư.

Trước hết, về đầu tư, hỗ trợ hạ tầng khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, quỹ đất và khuyến khích hợp tác công - tư để hình thành và vận hành các trung tâm nghiên cứu, cơ sở ươm tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, sàn giao dịch công nghệ. Các doanh nghiệp, tổ chức được hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, mua sắm thiết bị, phần mềm, cùng các dịch vụ pháp lý, hành chính và phát triển nguồn nhân lực.

Về hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm, các đơn vị sẽ được hỗ trợ tài chính tối đa 50% chi phí để tiếp nhận, mua công nghệ trong và ngoài nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại hóa công nghệ, đào tạo nhân lực và sử dụng cơ sở nghiên cứu công. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phi tài chính bao gồm: Tư vấn mô hình kinh doanh, pháp lý, chiến lược thị trường; kết nối với chuyên gia, nhà đầu tư, đơn vị nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Đối với khởi nghiệp sáng tạo, các chủ thể được hỗ trợ tài chính theo từng giai đoạn phát triển: 100% chi phí giai đoạn tiền ươm tạo, 75% giai đoạn ươm tạo và 50% giai đoạn tăng tốc. Ngoài ra, doanh nghiệp trong các ngành khoa học trọng điểm được hỗ trợ lãi suất vay vốn tối đa 50% trong 3 năm, ưu tiên tham gia mô hình thử nghiệm có kiểm soát, hỗ trợ truyền thông, thương hiệu và tham gia hội chợ, xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, doanh nghiệp trưởng thành còn được khuyến khích tái đầu tư vào hệ sinh thái thông qua thành lập quỹ, tổ chức đào tạo, phát triển hạ tầng chung.

Kinh phí thực hiện các chính sách sẽ được bố trí từ ngân sách thành phố Hà Nội, đồng thời khuyến khích xã hội hóa và hợp tác quốc tế nhằm đa dạng nguồn lực. Việc thiết kế chính sách bài bản, linh hoạt và gắn với thực tiễn triển khai là cơ sở quan trọng để bảo đảm hiệu quả khi nghị quyết được ban hành, đi vào cuộc sống.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, nếu được ban hành và thực thi đồng bộ, nghị quyết này cùng với 5 nghị quyết khác trong “bộ lục” nghị quyết về khoa học và công nghệ sẽ tạo ra một môi trường thể chế thuận lợi, khơi thông nguồn lực, khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy kết nối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, Hà Nội không chỉ giữ vững vai trò đầu tàu đổi mới sáng tạo của cả nước, mà còn tiến tới hội nhập sâu hơn với mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huong-toi-xay-dung-ha-noi-thanh-trung-tam-doi-moi-sang-tao-709565.html
Zalo