Mỹ-Philippines: Củng cố liên minh
Chuyến công du của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tới Mỹ từ ngày 20-22/7 không chỉ nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại mà còn khẳng định cam kết quốc phòng giữa Philippines và Mỹ.

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr. dự kiến có cuộc gặp song phương đầu tiên tại Washington D.C vào ngày 21/7. (Nguồn: Inquirer)
Áp lực kép
Chuyến thăm diễn ra khi Philippines đối mặt với áp lực kinh tế nghiêm trọng. Ngày 10/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế nhập khẩu 20% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Philippines - cao hơn mức 17% đề xuất ban đầu - với hiệu lực từ ngày 1/8/2025.
Theo Philstar Global (Philippines), biện pháp này có thể gây thiệt hại lên tới 6 tỷ USD cho kinh tế Philippines và ảnh hưởng đến 250.000 việc làm, đặc biệt nghiêm trọng khi Mỹ hiện là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines với kim ngạch 14,2 tỷ USD. Sức ép này đến trong bối cảnh việc đa dạng hóa kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Philippines đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Marcos Jr. là thuyết phục chính quyền Tổng thống Donald Trump rút lại mức thuế 20% hoặc đưa Manila vào diện miễn trừ. Ngoài đàm phán ngắn hạn, quốc gia Đông Nam Á cũng nêu đề xuất tái khởi động đàm phán một hiệp định thương mại song phương hoặc FTA. Chuyến thăm cũng nhằm “tận dụng vị trí chiến lược của Philippines” trong chuỗi đảo đầu tiên để bảo đảm các thỏa thuận thương mại ưu đãi và cam kết đầu tư.
Trong lĩnh vực phát triển và đầu tư, chương trình nghị sự của Tổng thống Marcos Jr. tập trung vào việc thúc đẩy triển khai Hành lang kinh tế Luzon. Dự án này bao gồm tuyến đường sắt Subic - Clark - Philippines - Batangas trị giá 3,2 tỷ USD, cùng với các tổ hợp logistics, khu công nghiệp và cảng biển liên quan.
Việc đẩy nhanh tiến độ hợp tác trong khuôn khổ hành lang Luzon kỳ vọng tạo ra sự cộng hưởng giữa hạ tầng chiến lược và chuyển đổi cơ cấu kinh tế quốc gia, qua đó cải thiện năng lực nội tại của Philippines trong chuỗi cung ứng khu vực.
Ngoài ý nghĩa kinh tế - phát triển, hành lang này còn được đánh giá là công cụ hỗ trợ quan trọng cho chính sách giảm thiểu phụ thuộc vào xuất khẩu lao động và tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế trước các biến động địa chính trị.
Song song với nỗ lực tháo gỡ rào cản thương mại, hợp tác an ninh tiếp tục là trọng tâm chiến lược trong chương trình nghị sự của Tổng thống Marcos Jr. Việc gần đây Manila tố Bắc Kinh gia tăng hoạt động tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông và va chạm giữa lực lượng dân quân biển Trung Quốc với lực lượng tuần duyên Philippines cũng khiến quan hệ hai bên căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, Philippines coi việc củng cố liên minh với Mỹ là bước đi then chốt để tăng cường khả năng phòng vệ. Do vậy, chuyến thăm lần này được phía Philippines kỳ vọng sẽ thúc đẩy mở rộng phạm vi triển khai quân sự của Mỹ tại các căn cứ thuộc khuôn khổ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), chia sẻ thông tin tình báo thời gian thực và thiết lập cơ chế phản ứng nhanh trước các tình huống khẩn cấp trên biển giữa hai bên.
Một lĩnh vực khác trong trọng tâm nghị sự là vấn đề người Philippines tại Mỹ. Theo World Population Review, hiện có khoảng 4,4 triệu người gốc Philippines sinh sống tại Mỹ, trong đó tỷ lệ đáng kể không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Trước xu hướng siết chặt các quy định di trú của Mỹ, chính phủ Philippines đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác lãnh sự và pháp lý với phía Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro trục xuất, đặc biệt trong các trường hợp nhân đạo hoặc đã cư trú dài hạn. Đề xuất này bao gồm việc mở rộng phạm vi bảo hộ lãnh sự, tăng cường dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho công dân và hướng tới khả năng ký kết một bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận về cơ chế xử lý linh hoạt đối với những đối tượng dễ bị tổn thương.
Ý nghĩa chiến lược
Chuyến thăm chính thức của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tới Mỹ là cột mốc mang đậm ý nghĩa biểu tượng và chiến lược đối với vị thế của Philippines trước những diễn biến cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây là chuyến công du Mỹ lần thứ năm của ông Marcos kể từ khi nhậm chức, nhưng là lần đầu tiên diễn ra dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Việc ông chủ Nhà Trắng trực tiếp gửi lời mời, đồng thời bố trí Tổng thống Marcos Jr. lưu trú tại Blair House - dinh thự chính thức dành cho nguyên thủ quốc gia, thể hiện sự trọng thị hiếm có và cho thấy Philippines đang được định vị như một mắt xích chiến lược chủ chốt trong mạng lưới liên minh do Mỹ dẫn dắt.
Về đối nội, chuyến thăm giúp củng cố vị thế chính trị của Tổng thống Marcos Jr. ở trong nước. Việc ông đích thân đàm phán với Nhà Trắng nhằm tháo gỡ mức thuế 20%, có nguy cơ ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn lao động và nhiều ngành xuất khẩu mũi nhọn, góp phần củng cố hình ảnh lãnh đạo bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, đồng thời cho thấy sự dịch chuyển trong tư duy đối ngoại của Philippines theo hướng chủ động điều phối và xử lý khủng hoảng.
Về đối ngoại, chuyến công du kéo dài ba ngày của Tổng thống Marcos Jr. phản ánh bước chuyển trong quan hệ Mỹ-Philippines, từ liên minh an ninh truyền thống sang đối tác chiến lược toàn diện, với trọng tâm mới đặt vào kinh tế, đầu tư hạ tầng, công nghệ và quản trị khu vực. Việc Philippines chủ động thúc đẩy các sáng kiến ba bên như Hành lang kinh tế Luzon là dấu hiệu cho thấy nước này đang nỗ lực chuyển mình từ vị thế “bên nhận” sang “bên kiến tạo”, giúp thúc đẩy chiến lược an ninh - kinh tế liên minh rộng hơn với Mỹ và các đối tác.