Phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong công tác tuyên truyền vận động, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Tháng 8/2022, tại buổi gặp mặt các đại biểu dự Đại hội XI và toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X đã nhấn mạnh “Uy tín của Hội là nguồn lực to lớn, là nhựa sống, là sức sống của tổ chức Hội. Uy tín của Hội không phải tự nhiên mà có, mà là từ hình ảnh, thái độ, hành vi, hành động, sự rèn luyện, phấn đấu toàn tâm, toàn ý của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên đối với sự nghiệp nhân đạo, là từ mỗi kết quả mà hoạt động của Hội mang đến cho người nghèo, đóng góp chung cho xã hội. Mong các đồng chí suy nghĩ thấu đáo để có giải pháp phù hợp cho mục tiêu này trong thời gian tới”.
Năm 1946, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Việt Nam mới giành được độc lập, Bác Hồ đã sáng lập ra Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam và chính Người là vị Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội từ năm 1946 đến năm 1969 (khi Người qua đời). Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam, nữ để làm công tác nhân đạo. Trải qua quá trình 78 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống nhân đạo cao đẹp. Mỗi bước tiến của Hội trên hành trình nhân ái đều gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm hướng tới mục đích cao cả là “Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân”. Đặc biệt trong công tác đối ngoại, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả, từ những năm đầu mới thành lập, hoạt động đối ngoại của Hội tập trung vào việc trao trả tù binh chiến tranh theo tinh thần của Luật Nhân đạo quốc tế (mặc dù thời gian này Chính phủ Việt Nam chưa tham gia các Công ước Giơ-ne-vơ). Tháng 11/1957, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, qua đó công tác đối ngoại ngày càng mở rộng và phát triển. Hội đã gửi thư đến Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tố cáo và phản đối quân đội Mỹ rải chất độc da cam trên lãnh thổ Việt Nam, ném bom các bệnh viện có biểu tượng Chữ thập đỏ, gửi thư chia sẻ với các Hội quốc gia nơi xảy ra xung đột, thảm họa, tham gia hồi hương, tiếp nhận hàng cứu trợ… Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (có 192 Hội quốc gia thành viên), luôn chủ động vận động ủng hộ Nhân dân các nước khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa… và có mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Trong suốt quá trình phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn nhận được sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước. Ngày 7/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” và Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã chỉ đạo tổng kết 22 năm thực hiện Chỉ thị 14, ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/6/2010 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Gần đây nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 44-KL/TW ngày 14/11/2022 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới”; quyết định nhiều chủ trương mới của Đảng về lãnh đạo công tác nhân đạo và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Quốc hội khóa XII cũng đã ban hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009). Chính phủ đã tăng cường quản lý Nhà nước, ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động… Hiện nay, tính đến thời điểm ngày 30/9/2024, tổ chức Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố với tổng số hơn 16 nghìn cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp; trong đó có 905 cán bộ cấp tỉnh (728 biên chế, 177 hợp đồng), 2.057 cán bộ cấp huyện (1.792 chuyên trách, 194 kiêm nhiệm, 71 cán bộ hưu), trên 13 nghìn cán bộ cấp xã (gồm 5.900 chuyên trách, hơn 7.000 cán bộ kiêm nhiệm và hưu trí). Có tổng số hơn 2,7 triệu hội viên, sinh hoạt tại 13.741 hội cơ sở, 96.208 chi hội. Có thể khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày càng xứng đáng với vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, thu hút đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và Nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ, tham gia, góp phần chăm lo có hiệu quả các đối tượng nghèo, khó khăn, dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Tại tỉnh Nam Định, đến nay, toàn tỉnh có 290 hội cơ sở với hơn 69 nghìn hội viên; gần 3.500 tình nguyện viên; gần 127 nghìn thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ. Trong 5 năm qua, tổng giá trị các hoạt động nhân đạo, từ thiện của Hội đạt trên 179 tỷ đồng, giúp hơn 816 nghìn lượt người. Từ các phong trào thi đua đã góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao chất lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên. Hầu hết cán bộ, nhất là cán bộ Hội từ cấp huyện trở lên đều đáp ứng trình độ chuyên môn, có nhận thức về lý luận chính trị. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm quy hoạch và phê duyệt. Tại nhiều địa phương, cấp ủy Đảng đã điều động, luân chuyển và phân công cán bộ thuộc cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội về công tác tại cơ quan Hội. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ các cấp tiếp tục được đầu tư, các cấp Hội đã chủ động tổ chức nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, đồng thời cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý Nhà nước.
Trong công tác cán bộ, Hội Chữ thập đỏ các cấp luôn bám sát theo các nguyên tắc về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước quy định; lựa chọn những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có tâm huyết, có năng lực làm công tác Chữ thập đỏ, có ý thức tổ chức kỷ luật, có lối sống trung thực, lành mạnh, được quần chúng tín nhiệm; bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ, uy tín, khả năng, nhiệt tình trong vận động quần chúng và tham gia các hoạt động xã hội, phong trào nhân đạo, từ thiện; có khả năng tiếp thu, vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Hội Chữ thập đỏ cấp trên vào hoạt động thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thường xuyên được phổ biến, cập nhật các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Hội cấp trên, đặc biệt là các chính sách, quy định về công tác nhân đạo, từ thiện. Tuy vậy, thời gian qua trên nhiều địa bàn, một số tổ chức ở trong nước và nước ngoài, lợi dụng vào tình hình khó khăn của nhân dân do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt; lợi dụng tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, của tôn giáo và sự thiếu hiểu biết của người dân khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, tranh thủ hoạt động cứu trợ nhân đạo đã lồng ghép, phát tán tài liệu, băng đĩa, tờ rơi và có những phát ngôn, nói xấu Đảng, Nhà nước nhằm kích động người dân chống lại các chủ trương đúng đắn của Đảng; kích động khiếu kiện, biểu tình, hòng làm giảm uy tín của Đảng đối với nhân dân… Nhằm chủ động ngăn chặn những vấn đề trên, đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã kịp thời tiếp cận và báo cáo cấp có thẩm quyền phối hợp xử lý nhanh chóng, có hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của người dân cần trợ giúp.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân nhận thức chưa đầy đủ, bị các thế lực thù địch, phản động, cực đoan lôi kéo để thực hiện theo các yêu cầu của chúng, như chuyển tải những thông xấu, độc hại, tin giả, không đúng sự thật; lồng các tờ rơi chống phá Đảng, Nhà nước trong các suất quà, in logo các tổ chức từ thiện chưa được công nhận; in hình ảnh, trái phép trên hàng hóa, công trình tài trợ; tiếp nhận hàng, tiền tài trợ không có nguồn nguốc rõ ràng; đặt yêu cầu cung cấp thông tin, hình ảnh, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhằm thu thập, nói không đúng sự thật, nói xấu chế độ… Mặc khác, các đối tượng phản động còn kích động, tuyên truyền không đúng sự thật các chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước như xuyên tạc những việc làm, hình ảnh của các cán bộ, chiến sĩ, hội viên, tình nguyện viên ngày đêm vất vả giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong thiên tai bão lũ, hỏa hoạn; xuyên tạc công tác cứu trợ nhân đạo hòng gây chia rẽ không chỉ trong những người làm từ thiện với nhau, mà còn gây chia rẽ giữa người làm từ thiện với chính quyền, và cả người dân với chính quyền.
Phát huy vai trò là cầu nối nhân đạo “Vì mọi người ở mọi nơi”, trước những yêu cầu được đặt ra trong tình hình mới. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói chung, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định nói riêng đã xác định rõ nhiệm vụ then chốt; nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; nhiệm vụ đột phá, tạo định hướng quan trọng cho công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ. Dự báo những năm tới, tình hình thiên tai, thời tiết diễn biến khó lường, khắc nghiệt, biến đổi thất thường. Đây là các tác nhân làm gia tăng bệnh đường hô hấp đặc biệt ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em… do vậy nhiệm vụ hoạt động của Hội Chữ thập đỏ cần có nhiều đổi mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ cần phải chung tay, nỗ lực, có tâm huyết cao. Toàn Hội xác định mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp người nghèo, người dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, của tỉnh chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2022-2027, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập trung triển khai các hoạt động nhân đạo với “Hai khâu đột phá, một phong trào, một cuộc vận động lớn, hai chương trình trọng điểm và hai đề án”. Trong đó, tiếp tục vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo. Đẩy mạnh phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” với mục tiêu chính là không ngừng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng.
Có thể nói, với mục đích nhân đạo, hoạt động xã hội thiết thực, gắn liền với cuộc sống nhân dân; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nói chung, Hội Chữ thập đỏ tỉnh nói riêng là một tổ chức quần chúng có khả năng vận động tốt phong trào cách mạng của quần chúng rộng lớn đứng lên làm chủ cuộc sống của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống và những kết quả mà Hội đã đạt được, tiếp tục phấn đấu hoàn thành toàn diện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Hội, thực hiện tốt sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.