Phát huy vai trò của các CBO trong phòng chống HIV/AIDS cho nhóm đối tượng đặc biệt
Công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta trong những năm qua đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng. Để làm được điều này, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn có sự đóng góp lớn của các tổ chức cộng đồng, đặc biệt với một số nhóm đối tượng đặc biệt.
Vì sao các nhóm cộng đồng (CBO) có vai trò quan trọng trong phòng chống HIV/AIDS?
Bà Lê Thu Giang, Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số cho biết, các nhóm hỗ trợ cộng đồng (CBO) hoạt động phòng chống HIV là những nhóm xuất thân từ cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT), người có HIV (NCH), phụ nữ bán dâm (SW)...
Hiện nay có khoảng 400 CBO lớn nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam bao gồm những CBO được hỗ trợ và không được hỗ trợ từ các dự án phòng chống HIV.
Các CBO này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông giảm hành vi nguy cơ cho cộng đồng đích, xét nghiệm và kết nối điều trị HIV, hai yếu tố vô cùng quan trọng trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình của người có HIV và trong cộng đồng.
Các chiến lược CBO thực hiện chủ yếu là truyền thông về các biện pháp dự phòng HIV, cung cấp vật phẩm miễn phí như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm… theo nhóm nhỏ; xét nghiệm HIV, dịch vụ PrEP, ART và tư vấn trực tiếp cho cá nhân có nguy cơ; kết nối điều trị HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs).
Ở nước ta hiện nay, do đặc điểm dịch HIV vẫn là dịch tập trung, nhiều người nhiễm HIV thuộc nhóm dễ tổn thương như người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới. Đây là nhóm dễ bị kỳ thị phân biệt đối xử nên hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn so với các tổ chức cộng đồng.
Lý giải điều này, bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến cộng đồng cho biết, các tổ chức cộng đồng có vai trò rất quan trọng, vì họ là những người hiểu rõ nhất những vấn đề khó khăn hay tâm lý, tình cảm của người nhiễm HIV do tiêm chích ma túy.
Bên cạnh đó, các tổ chức cộng đồng còn có được niềm tin của người tiêm chích ma túy, bởi nhiều người trong số họ hoặc người thân của họ cũng đã từng tiêm chích ma túy. Việc sử dụng ma túy ở Việt Nam là bất hợp pháp, là hành vi bị xã hội lên án nên khó để người tiêm chích ma túy bộc lộ việc làm của mình với người xa lạ hay không tin tưởng.
Hơn nữa, bản thân mỗi người trong tổ chức cộng đồng đều có mong muốn được đóng góp, được làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội và giúp đỡ những người bạn nên họ có cam kết mạnh mẽ trong các hành động của mình.
Vai trò của CBO với một số nhóm đối tượng đặc biệt trong phòng chống HIV/AIDS
Với người tiêm chích ma túy
Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy đã giảm đáng kể so với năm 2001, 2002 nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 10-12%. Nguyên nhân chủ yếu do hành vi tiêm chích không an toàn, quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách.
Tiêm chích, sử dụng ma túy là hành vi bất hợp pháp ở Việt Nam nên người sử dụng ma túy thường trốn tránh khiến việc tiếp cận với các dịch vụ y tế trong việc dự phòng phơi nhiễm HIV hay điều trị gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, với vai trò là cầu nối trung gian giữa người quản lý, điều hành chương trình phòng chống HIV/AIDS với cộng đồng và có niềm tin từ đối tượng này, các tổ chức cộng đồng đã thực hiện các can thiệp giảm tác hại như cung cấp, hướng dẫn người tiêm chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su, điều trị thay thế dạng thuốc phiện bằng các thuốc thay thế như methadone...
Với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)
Những năm gần đây, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại nước ta hiện nay. Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tỉ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ năm 2012 đến 2020 tăng gần 6 lần, từ 2,3% lên 13,3% và được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà quần thể MSM chưa thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ HIV một cách toàn diện nên chưa đủ khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Do đó, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng CBO là cầu nối, là cánh tay đắc lực để giúp cho các đối tượng đích tiếp cận dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà.
Hơn nữa, trong thời gian gần đây, các tổ chức cộng đồng còn cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Các báo cáo quốc gia cho thấy, các tổ chức cộng đồng có thể đóng góp từ 25-50% các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ. Một số tỉnh, thành phố có tới 60-70% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện do các tổ chức cộng đồng thực hiện.
Các tổ chức cộng đồng ngày nay rất nhanh nhạy và có lợi thế tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích thông qua mạng xã hội như facebook; ticktok, livestream...
Mời bạn xem tiếp video: