Phát huy vai trò của báo chí trên lĩnh vực chính trị tư tưởng
Kết luận 23, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ đã có những chỉ đạo rất cụ thể đối với hoạt động báo chí.
Theo đó, Kết luận 23 của Ban Bí thư nhấn mạnh: Tăng cường chất lượng thông tin, tuyên truyền; chú trọng tính định hướng chính trị, tư tưởng, tính văn hóa, khoa học; tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới; coi trọng phát hiện, biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến... Quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư trong Kết luận 23, những năm qua các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về báo chí; đồng thời tích cực, chủ động phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong công tác thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác chính trị tư tưởng.
Trên địa bàn Hà Nam hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương, 22 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú, phóng viên theo dõi, đưa tin về tỉnh. Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam có 130 cán bộ, hội viên. Nhiều năm qua, các cơ quan báo chí luôn nỗ lực thể hiện vai trò lực lượng nòng cốt trong thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chuyển tải những định hướng lớn của cấp ủy, chính quyền tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, cổ vũ các cuộc vận động, phong trào thi đua, mô hình mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt các cơ quan báo chí rất tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái thù địch, góp phần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng.
Phóng viên báo Hà Nam tác nghiệp.
Ảnh: Thế Trang
Cùng hướng tới mục đích góp phần làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhiều năm qua đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cũng rất tích cực sáng tạo, phổ biến tác phẩm báo chí chất lượng cao, tích cực hưởng ứng các giải báo chí, nhất là Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng-“Búa liềm vàng”. Trong 3 năm 2021-2023 (từ khi tổ chức vòng sơ khảo cấp tỉnh), các cơ quan báo chí trên địa bàn đã có 280 tác phẩm tham dự. Ban Chỉ đạo tỉnh về hưởng ứng Giải “Búa liềm vàng” đã chọn 173 tác phẩm tiêu biểu gửi tham dự cấp toàn quốc; đồng thời trao thưởng, động viên các tác phẩm đạt giải vòng sơ khảo cấp tỉnh (5 giải A, 7 giải B, 18 giải C, 20 giải khuyến khích). Chất lượng tác phẩm của các cơ quan báo chí địa phương ngày càng được nâng cao, đề tài được lựa chọn đề cập, khai thác khá toàn diện. Đặc biệt, đề tài về lĩnh vực chính trị, tư tưởng được phản ánh rất sinh động, hình thức có nhiều đổi mới, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sáng tạo, phổ biến tác phẩm báo chí nói chung, tác phẩm báo chí về đề tài công tác chính trị, tư tưởng nói riêng được chú trọng, đem lại hiệu quả rõ nét.
Cụ thể hóa nhiệm vụ tham gia góp phần thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền về: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì nền nếp và không ngừng nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, nhất là một số chuyên trang, chuyên mục phục vụ trực tiếp cho công tác chính trị tư tưởng, như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ”, “Người tốt, việc tốt”, “Xây dựng Đảng”, “Xây dựng chính quyền”, “Đưa nghị quyết vào cuộc sống”, “Bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, “Vấn đề cần tổ chức thực hiện”, “Pháp luật và đời sống”, “Quân sự- quốc phòng địa phương”, “An ninh trật tự”… trên các sản phẩm báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử. Nội dung tin, bài, ảnh tập trung tuyên truyền về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Chỉ thị 05, Kết luận 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; những mô hình mới, cách làm sáng tạo trong hoạt động tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền miệng… Thông tin các cơ quan báo chí đăng tải đã góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát huy vai trò nòng cốt của báo chí trong công tác tư tưởng chính trị còn một số hạn chế. Theo đó, số lượng tác phẩm báo chí về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có tính lý luận, tổng kết, định hướng và tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tác động xã hội lớn… chưa nhiều. Công tác tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch mặc dù được chú trọng và duy trì thường xuyên nhưng còn thiếu chủ động, tính sắc bén, tính chiến đấu chưa cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí chuyên tác nghiệp về lĩnh vực chính trị tư tưởng có mặt chưa đáp ứng kịp yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, truyền thông số đặt ra yêu cầu đòi hỏi hoạt động báo chí phải có bước đi cùng sự thích ứng phù hợp, kịp thời, nhằm vừa bắt kịp xu hướng của báo chí hiện đại, đáp ứng nhu cầu của đông đảo công chúng, vừa làm tròn vai trò lực lượng nòng cốt trên mặt trận chính trị tư tưởng. Để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, thời gian tới đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà rất mong các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm một số văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến hoạt động báo chí; nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của báo chí trong thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong lĩnh vực chính trị tư tưởng. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo tiếp cận nguồn thông tin chính thống, chuyển tải thông tin đầy đủ, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, đưa những thông tin tích cực, chính thống có tính định hướng cao thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu, bao trùm, không để thông tin xấu, độc trên mạng xã hội chiếm lĩnh “trận địa” trước khi có thông tin chính thức.
Cùng với tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về báo chí, các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần chủ động tích cực hơn nữa trong thực hiện trách nhiệm tham mưu, phối hợp định hướng và tạo điều kiện cho báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền nói chung, công tác chính trị tư tưởng nói riêng.
Về phía các cơ quan báo chí và tổ chức hội nhà báo các cấp, cần có giải pháp phù hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhà báo, nhất là cán bộ, phóng viên tác nghiệp trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đó, quan tâm lựa chọn tổ chức một số khóa tập huấn, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm tác nghiệp có quy mô, nội dung, hình thức phù hợp, giúp các nhà báo thêm vững vàng về bản lĩnh chính trị, kỹ năng, kinh nghiệm nghiệp vụ, sáng suốt trước những thông tin độc hại, có phong cách làm việc sâu sát, có ý thức thực hiện tốt các quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, chú trọng tính định hướng chính trị, tư tưởng, tính văn hóa, khoa học. Tiếp cận, làm chủ và ứng dụng những tiến bộ mới về công nghệ thông tin vào quá trình sáng tạo, quảng bá tác phẩm báo chí, nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông. Tăng cường tính chiến đấu, đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả đối với những thông tin, luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng và áp dụng những chính sách khuyến khích phù hợp, động viên đội ngũ nhà báo say mê sáng tạo, phổ biến ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu ứng lan tỏa tích cực, sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần làm tốt công tác chính trị tư tưởng.