Phát huy vai trò 'cầu nối' pháp luật

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về tư vấn và trợ giúp pháp lý ngày càng trở nên thiết yếu, đặc biệt là đối với người nghèo, người yếu thế và các đối tượng chính sách. Trong đó, việc nâng cao chất lượng trợ giúp viên pháp lý và truyền thông về trợ giúp pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là 'cầu nối' pháp luật nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Nâng cao năng lực của trợ giúp viên pháp lý

Theo báo cáo của Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), trong năm 2024, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người nghèo, người yếu thế, người chính sách đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành trong năm 2024 là 30.538 vụ việc (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023).

Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự nỗ lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý mà còn xuất phát từ việc nâng cao tiêu chuẩn và quy trình hoạt động trong các năm gần đây. Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã quy định các tiêu chuẩn cao hơn về trình độ học vấn và kinh nghiệm cho trợ giúp viên pháp lý, tạo ra một đội ngũ chuyên nghiệp hơn để thực hiện nhiệm vụ.

Năng lực và kỹ năng của trợ giúp viên pháp lý đã được cải thiện đáng kể thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn và nghiệp vụ. Hàng năm, Bộ Tư pháp tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về luật pháp, kỹ năng tham gia tố tụng và các kỹ năng khác cần thiết cho trợ giúp pháp lý. Điều này không chỉ giúp áp dụng lý thuyết vào thực tiễn mà còn giúp trợ giúp viên pháp lý tự tin hơn khi tham gia vào các vụ việc.

Theo thống kê năm 2024, có 681 trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 99,85%. Điều này cho thấy, không chỉ số lượng mà chất lượng của đội ngũ này cũng đang ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện được 38,4 vụ/năm, tăng đáng kể so với con số 32,4 vụ/năm của năm 2023. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ này để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý cho trẻ em và người chưa thành niên năm 2024. Ảnh: Hồng Vân

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý cho trẻ em và người chưa thành niên năm 2024. Ảnh: Hồng Vân

Chất lượng các vụ việc tham gia tố tụng là yếu tố then chốt trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của trợ giúp viên pháp lý. Trong năm 2024, tất cả các vụ việc tham gia tố tụng đều đạt chất lượng, không có vụ việc nào không đạt yêu cầu. Nhiều vụ việc đã được đánh giá là thành công, có thể kể đến như việc giảm hình phạt, chuyển tội danh nhẹ hơn trong lĩnh vực hình sự, hoặc thắng kiện trong lĩnh vực dân sự.

Chất lượng vụ việc tham gia tố tụng được xác định qua nhiều yếu tố, bao gồm khả năng bào chữa của trợ giúp viên pháp lý, sự thuyết phục của các lập luận pháp lý, cũng như khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng. Với sự nỗ lực không ngừng, nhiều trợ giúp viên đã chứng minh rằng họ có đủ năng lực để tham gia vào các phiên tòa với tính chất phức tạp, đồng thời bảo vệ người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Đổi mới cách thức và hiệu quả truyền thông

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý vẫn còn đối mặt với các thách thức. Việc tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về quyền lợi được trợ giúp pháp lý và không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ vẫn là một vấn đề cần thiết. Nhiều người dân chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình, dẫn đến việc không tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, trợ giúp viên pháp lý vẫn phải đối mặt với khó khăn trong việc thu thập tài liệu, bằng chứng và hợp tác từ các bên liên quan trong tố tụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả vụ việc và làm giảm độ tin cậy của dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Từ thực tế đó, không ít ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực pháp lý thường xuyên diễn ra tranh chấp như hình sự, dân sự, và hành chính.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội đối với người yếu thế, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, "không để ai bị bỏ lại phía sau"; không ít ý kiến cho rằng, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cần tiếp tục quan tâm, chú trọng.

Đặc biệt, đổi mới cách thức và tăng cường hiệu quả truyền thông về trợ giúp pháp lý để người dân dễ tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý; kết hợp các cách thức truyền thông truyền thống với các cách thức truyền thông hiện đại trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... bằng tiếng Việt hoặc dịch sang các tiếng dân tộc, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về trợ giúp pháp lý của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra, khai thác các vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, điển hình được dư luận xã hội quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu về quyền được trợ giúp pháp lý và lợi ích, hiệu quả mang lại của công tác trợ giúp pháp lý; cung cấp địa chỉ, số điện thoại của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cho người dân, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý để họ biết và liên hệ khi có nhu cầu.

Đỗ Quyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-huy-vai-tro-cau-noi-phap-luat-post403975.html
Zalo