Đo chuyển động dòng tiền và triển vọng nhóm cổ phiếu đầu tư công
Với diễn biến thanh khoản cải thiện tích cực, các chuyên gia sẽ dự báo về chuyển động của dòng tiền trong ngắn hạn và 'đo' triển vọng nhóm cổ phiếu liên quan đến nhóm ngành liên quan đến đầu tư công khi Chính phủ, các Bộ, ban ngành, địa phương đang đặt mục tiêu đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
![VN-Index có 1 tuần giao dịch đầu năm mới khá nhiều cảm xúc khi mở màn phiên đầu năm với phiên giảm và liên tiếp 4 phiên tăng điểm khá tích cực đã đưa thị trường tiếp cận vùng cản cứng 1280. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_95_51431347/6e42c751fd1f14414d0e.jpg)
VN-Index có 1 tuần giao dịch đầu năm mới khá nhiều cảm xúc khi mở màn phiên đầu năm với phiên giảm và liên tiếp 4 phiên tăng điểm khá tích cực đã đưa thị trường tiếp cận vùng cản cứng 1280. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch trong tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Tuần giao dịch đầu tiên năm mới khiến nhiều nhà đầu tư hài lòng với đà tăng điểm 4 phiên liên tiếp. Ngưỡng 1.280 và ngay phía trên là khu vực 1.290 – 1.300 điểm là mốc kháng cự rất mạnh mà áp lực bán, diễn biến điều chỉnh sẽ diễn ra và có thể là 2 - 3 phiên đầu tuần tới trước khi hồi phục trở lại.
Nhìn chung, thị trường sẽ cần vận động tích lũy một số phiên trước khi vươn lên các khu vực 1.280 – 1.300 điểm. Cơ hội cho giao dịch ngắn hạn, cơ hội đầu tư đã và đang xuất hiện nhiều hơn đối với các nhà đầu tư đánh dấu giai đoạn khởi đầu suôn sẻ cho một năm uptrend 2025.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Vietcap (VCI)
Quan điểm kỹ thuật: VN-Index kết tuần tăng về giá lẫn thanh khoản (W1) giúp củng cố mức tín hiệu Tích cực trong trung hạn và tăng khả năng kiểm định ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn chưa thể loại trừ kịch bản điều chỉnh trong phiên bởi sự xuất hiện của áp lực bán giá cao trong phiên 06-07/02. Hỗ trợ trong phiên là vùng 1.265-1.268 điểm. Mức Tích cực trung hạn sẽ giúp chỉ số vận động lực cầu trở lại quanh điểm hỗ trợ nếu điều chỉnh xuất hiện.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Xét về mặt chỉ số, diễn biến tuần giao dịch sau kỳ nghỉ Tết là khá tích cực. Dù vậy, về mặt bản chất tôi vẫn chỉ đánh giá đây là tuần giao dịch hồi phục chứ chưa mang tính bẻ ngoặt xu thế thực sự.
Sự hồi phục này khá đồng đều khi luân phiên diễn ra ở hầu hết nhóm ngành, cổ phiếu, những cổ phiếu đã hồi phục đều có dấu hiệu chững lại ở 2 phiên cuối tuần, do vậy nhiều khả năng tuần tới trạng thái giằng co sẽ quay lại, xu thế giằng co trong biên độ 1.250-1.300 điểm được dự báo sẽ lại chiếm ưu thế.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
![Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_95_51431347/a2d50dc63788ded68799.jpg)
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên
Về bối cảnh hiện tại, đà lan tỏa của dòng tiền đã tốt hơn giai đoạn tạo đỉnh ở ngưỡng 1.280 điểm trước đó. Sự vận động ở các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tích cực hơn chứ không chỉ tập trung vào các cổ phiếu trụ, điều này sẽ tạo sự đồng thuận cho thị trường đi lên tốt hơn. Do đó, tôi đánh giá đà tăng vẫn được duy trì và vượt qua vùng cản 1.280 điểm để tiến về ngưỡng tâm lý 1.300 điểm.
Dù vậy, vẫn còn nhiều biến số từ bên ngoài chưa thể kết luận như vấn đề căng thẳng thương mại nên tôi thiên về kịch bản thị trường sẽ đi lên kèm rung lắc hoặc có những phiên rũ bỏ để tạo thêm đà.
VNIndex có 1 tuần tăng điểm và cũng là tuần giao dịch trọn vẹn sau nghỉ lễ không có gián đoạn và do vậy chúng ta thấy chỉ số vẫn có 3 tuần tăng điểm tính từ vùng đáy 1.220 điểm. Trong chuỗi tăng điểm tuần chúng thấy có sự ủng hộ của khối lượng và về cơ bản xu hướng vẫn là tích cực.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Trong nhóm các nhóm cổ phiếu giảm sâu như bất động sản, thép, chứng khoán về cơ bản đang ở sóng 5 giảm giá và đang có những phản ứng kết thúc xu hướng giảm.
Nhóm duy trì xu hướng tăng giá tốt như ngân hàng đã bắt đầu phá đỉnh gần nhất hoặc thiết lập mốc cao mọi thời đại như CTG, LPB, TCB... Tín hiệu này cho thấy xu hướng tăng đang được lan tỏa.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có chuỗi tăng mạnh và xuất hiện tượng đánh theo tin như khoáng sản (tin Trung Quốc cấm xuất khẩu một số loại khoáng sản), CII (đấu giá Thủ Thiêm)... cho thấy vòng quay rủi đã xuất hiện. Dòng tiền đã lỏng hơn và tham gia đầu cơ. Về nguyên tắc chừng nào vòng quay rủi ro có thì thị trường tạo ra cơ hội tốt.
Về xu hướng tuần tới thì chúng tôi cho rằng thị trường sẽ ngập ngừng quanh khu vực kháng cự 1.280 -1.300 điểm nơi vốn là vùng kháng cự suốt nửa năm vừa qua. Khả năng sẽ có một hai phiên giảm điểm khi có nhịp chốt lời cùng lúc.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách phân tích chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Tín hiệu tích cực nhất trong tuần qua đến từ việc thị trường ghi nhận tăng điểm với thanh khoản cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước kỳ nghỉ Tết, với giá trị giao dịch trung bình đạt khoảng 14.000 tỷ đồng.
Với việc định giá của thị trường cũng trở nên hấp dẫn hơn sau khi kết quả kinh doanh quý IV được công bố và dòng tiền đang dần quay trở lại, dự kiến chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm và áp sát kháng cự 1.300 điểm trong tuần tới.
Điểm tích cực là thanh khoản đã cải thiện cho thấy dòng tiền bắt đầu nhập cuộc trở lại. Tuy nhiên, điểm trừ là khối ngoại tiếp tục duy trì áp lực bán ròng, với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng trong tuần qua. Lực bán tập trung vào các mã Công nghệ (FPT), Bán lẻ (FRT, MWG) và VNM, khiến nhóm này kém tích cực hơn so với phần còn lại của thị trường. Có thể dự báo như thế nào về chuyển động của dòng tiền trong ngắn hạn, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Vẫn sẽ có những cổ phiếu tăng điểm tích cực, những cổ phiếu điều chỉnh đi ngang rồi dòng tiền sẽ chạy luân chuyển giữa các nhóm ngành quan trọng nhưng tài chính, ngân hàng rồi chứng khoán bảo hiểm, xây dựng và vật liệu, tài nguyên cơ bản, hóa chất, năng lượng và một số cổ phiếu bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Khối ngoại bán ròng mạnh ở một số cổ phiếu cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại nhưng cũng không là điều mà chúng ta quá bận tâm bởi trước tháng 3, hoạt động cơ cấu danh mục và việc mua vào lại các cổ phiếu lớn sẽ lại diễn ra khi kỳ review danh mục quý I sẽ có thể đánh dấu sự đảo chiều mua ròng của khối ngoại trước kỳ đánh giá nâng hạng của FTSE.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_95_51431347/d1477d54471aae44f70b.jpg)
Dòng tiền sẽ tập trung mạnh không chỉ vào nhiều cổ phiếu VN30, nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, mà cả các blue chips nằm ngoài VN30. Một số cổ phiếu midcap có thể tăng rất mạnh giai đoạn này và làn sóng tăng điểm có thể lan tỏa sang các cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều hơn là các cổ phiếu lớn. Điều này cũng giải thích việc chỉ số thị trường sẽ không biến động mạnh mà vận động đi dần hướng lên các mốc điểm cao hơn với thanh khoản gia tăng.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Vietcap (VCI)
Nhóm bank là nhóm đang hỗ trợ cho chỉ số trong thời gian qua bên cạnh nhóm đầu tư công và chứng khoán. Chuyển động dòng tiền thời gian tới sẽ khá thận trọng, dòng tiền sẽ phân hóa và tập trung vào những cổ phiếu có sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Sự cải thiện của thanh khoản là tín hiệu khá tích cực, điều này phản ánh sự trở lại phần nào của dòng tiền ngắn hạn. Tuy nhiên niềm tin vẫn còn khá mong manh, khiến dòng tiền chủ yếu vận động theo hướng luân chuyển rất nhanh giữa các nhóm ngành và chưa có tính liên tục. Chuyển động này nhiều khả năng tiếp diễn trong ngắn hạn tới đây.
Việc khối ngoại bán ròng liên tục từ đầu năm trước rõ ràng đã và đang có sự ảnh hưởng tới cổ phiếu và cả thị trường chung. Đây cũng là yếu tố góp phần tác động tới niềm tin của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ không chỉ ở riêng thị trường Việt nam mà còn lan rộng trên chứng khoán toàn cầu. Sự sụt giảm mạnh này chủ yếu do lo ngại về khả năng cạnh tranh của DeepSeek và tác động tiềm tàng đến các công ty công nghệ lớn. Có thể kể tới như Nvidia, Micron, Arm Holdings hay ASML, ASM International (Hà Lan) đều rơi mạnh từ đỉnh, hoặc các cổ phiếu chip lớn của Nhật Bản cũng chịu tác động tiêu cực.
Bên cạnh đó, thường vào cuối kỳ công bố kết quả kinh doanh, các nhà đầu tư tổ chức cũng sẽ đánh giá lại triển vọng đầu tư và phân bổ phù hợp. Trong ngắn hạn, tôi cho rằng dòng tiền sẽ có sự thận trọng khi chỉ số đang tiến gần vùng 1.300 điểm, áp lực bán tôi cho rằng sẽ diễn ra.
Tuy nhiên các cổ phiếu triển vọng như đầu tư công, ngân hàng hay có câu chuyện riêng vẫn sẽ nhận được sự quan tâm của dòng tiền. Các cổ phiếu công nghệ có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh khi định giá đang ở mức khá cao và gặp áp lực bán của khối ngoại.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
![Ông Vũ Duy Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_95_51431347/835b2e481406fd58a417.jpg)
Ông Vũ Duy Khánh
Về xu hướng khối ngoại, họ vẫn tiếp tục bán ròng và rất khó nói xu hướng này bao giờ kết thúc. Nếu bù trừ với những phiên mua ròng lác đác hoặc giao dịch thỏa thuận thì tác động bán ròng trong phiên khớp lệnh chỉ ở quy mô nhỏ quanh mức 200-300 tỷ đồng, cơ bản không tác động quá lớn tới giao dịch thị trường.
Dòng tiền ngắn hạn đặc biệt là nhà đầu tư nội sẽ tiếp tục tăng lên do tính chu kỳ. Chúng ta biết giai đoạn sau Tết Nguyên đán 2-3 tuần thường là giai đoạn thanh khoản tăng mạnh và cao nhất năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách phân tích chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Với việc lãi suất huy động tại các ngân hàng dù đã bật tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp so với mức trung bình nhiều năm gần đây, dòng tiền dự kiến sẽ dần dịch chuyển sang các kênh tài sản có mức độ rủi ro cao hơn như chứng khoán và bất động sản. Với lợi thế không cần lượng vốn quá lớn để tham gia như kênh bất động sản, dòng tiền dự kiến sẽ hoạt động mạnh hơn trên thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Một vấn đề được nhắc nhiều gần đây, đó là đầu tư công đang được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 khi ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này. Các ngành hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng, vật liệu và hạ tầng tiếp tục thu hút dòng tiền trong tuần qua. Nếu chọn giải ngân vào các các cổ phiếu liên quan đến nhóm ngành liên quan đến đầu tư công ở thời điểm hiện tại có phù hợp? Nhà đầu tư có nên lưu ý gì không, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Nhóm cổ phiếu xây dựng xây lắp, vật liệu là một trong năm nhóm ngành ưu tiên cao trong năm nay và cũng hứa hẹn là tâm điểm của thị trường. Bởi vậy, các nhà đầu tư cũng nên theo dõi và chọn mua các cổ phiếu tiềm năng trong nhóm này.
Điểm đáng chú ý khi lựa chọn đó là thị giá so với mức định giá cơ bản, tiềm năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận mạnh mẽ trong năm 2025, vốn hóa vừa phải, thanh khoản khá hoặc cao, biên lợi nhuận cao, tỷ lệ trả cổ tức hứa hẹn, nhiều dự án triển vọng…, tất nhiên vẫn ưu tiên các DN điển hình trong cả ngành hơn là giao dịch dàn trải.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
![Ông Dương Hoàng Linh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_95_51431347/7eabdcb8e6f60fa856e7.jpg)
Ông Dương Hoàng Linh
Nhóm cổ phiếu liên quan tới Đầu tư công, Xây dựng, vật liệu xây dựng... được tôi đánh giá là nhiều tiềm năng trong năm tới. Tuy nhiên, để lựa chọn giải ngân vào các cổ phiếu này, nhà đầu tư cần đánh giá phân tích kỹ càng để biết doanh nghiệp mình chọn có thực sự tham gia và hưởng lợi từ hoạt động này không. Ngoài ra cũng cần lưu ý, việc đầu tư vào nhóm này phù hợp hơn cho mục tiêu dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Tôi đánh giá Đầu tư công là điểm sáng trong năm nay, và cũng là động lực chính để kích thích kinh tế. Dù vậy, trên thực tế, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trên sàn chưa thật sự nổi trội và đã liên tiếp trải qua nhiều năm khó khăn. Dòng tiền hiện tại sẽ mang tính chất đầu cơ nhiều hơn, do đó, nhà đầu tư cần lưu ý về sự đảo chiều xu hướng hoặc biến động lớn về giá.
Còn một điểm nữa là ở nhóm Xây dựng hạ tầng, thường sử dụng nợ vay rất cao, sẽ dễ bị ảnh hưởng nếu chính sách vĩ mô như lãi suất, tỷ giá thay đổi.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến tiến độ dự án khi có nhiều dự án lớn chưa hoàn tất các thủ tục giải phóng mặt bằng hay còn gặp khó khăn trong vấn đề triển khai, vì vậy, các lợi nhuận kỳ vọng và thực tế kết quả kinh doanh có thể sẽ khá xa nhau.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Thực tế, nhóm ngành này đã chuyển động tăng giá từ trước. Một số gợi ý trước đây của chúng tôi như VCG hay CTD đã tăng tốt, thậm chí CTD còn thiết lập mốc cao mới. Trong ngắn hạn, dòng tiền có thể xoay tua sang nhóm thép, tuy nhiên đà tăng nhóm thép sẽ không quá mạnh vì yếu tố thế giới vẫn còn tác động tiêu cực tới ngành dư cung Trung Quốc, thương chiến, thuế chống bán phá giá.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách phân tích chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
![Ông Lâm Gia Khang](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_95_51431347/2d5d8e4eb4005d5e0411.jpg)
Ông Lâm Gia Khang
Nhóm cổ phiếu đầu tư công được kỳ vọng hưởng lợi lớn trong năm 2025 khi hoạt động giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới khi Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ tháng 7/2024, đồng thời hàng loạt dự án đầu tư công lớn dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn thi công ngay trong năm nay.
Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý lựa chọn các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và có biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao hơn trung bình ngành, nhất là khi mức định giá P/E của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa phải ở vùng quá hấp dẫn.
Việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư trong bối cảnh thị trường hiện tại cũng tương đối khó do dòng tiền trên thị trường chưa thực sự mạnh. Đâu là chiến lược phù hợp cho giai đoạn này?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Do giai đoạn đầu ngoài hoạt động phân tích cơ bản thì việc việc lựa chọn cổ phiếu để đầu tư chưa phải là dễ dàng và việc mua thăm dò các cổ phiếu riêng lẻ và mua gia tăng số lượng lớn sẽ được ưu tiên ngoại trừ các nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn trong việc giao dịch ngắn hạn.
Giao dịch ngắn cũng có thể được triển khai giữa nhiều nhóm ngành bởi dòng tiền sẽ thay nhau tập trung luân chuyển. Tất nhiên cơ hội mua đầu tư đang rõ nét nhất là ở nhiều cổ phiếu tài chính, năng lượng, hóa chất, xây dựng và vật liệu với tầm nhìn 3 - 6 tháng thậm chí cả năm 2025 hoặc hơn.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Vietcap (VCI)
![Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_95_51431347/cd966d8557cbbe95e7da.jpg)
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh
Chiến lược phù hợp là mỗi tháng hoặc mỗi chu kỳ tăng/giảm đều có câu chuyện riêng và có thể lặp đi lặp lại, do vậy phải nắm bắt được xu hướng để đầu tư phù hợp và chủ động chọn được những cổ phiếu hợp xu hướng. Đối với đầu tư dài hạn thì phải giữ được tâm lý ổn định nếu đã phân tích kỹ, tránh bị dao động bởi xu hướng.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Về vấn đề này, tôi cũng đã nhiều lần khuyến nghị: nhà đầu tư cần có tầm nhìn trung – dài hạn cho những mục tiêu đầu tư ở thời điểm hiện tại. Khi trong ngắn hạn, xu thế tích cực vẫn chưa có dấu hiệu hình thành, việc cố gắng tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn ở thời điểm hiện tại là chưa thực sự phù hợp. Chiến lược lựa chọn doanh nghiệp tốt với tầm nhìn trung – dài hạn sẽ được tôi lựa chọn trong giai đoạn này.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, CTCK Phú Hưng (PHS)
Quy mô thị trường hiện tại đã lớn hơn và độ nhạy với các thông tin cũng nhiều hơn, do đó, mức độ biến động cũng sẽ cao hơn. Với các nhà đầu tư dài hạn, có thể tận dụng các phiên giảm điểm sâu để gia tăng vị thế, tập trung vào các doanh nghiệp lớn có thể đón nhận dòng vốn khi thị trường được nâng hạng, có lợi thế cạnh tranh trong ngành. Đối với các nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn, để tối ưu vốn, nên dõi theo dòng tiền, các câu chuyện riêng để nắm bắt xu hướng.
Tuy nhiên, như đã đề cập bên trên, tôi cho rằng thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng sẽ biến động lên xuống khá mạnh vì những ảnh hưởng từ chính sách của ông Trump – một người khá khó đoán. Do đó, tôi cho rằng các nhà đầu tư nên linh hoạt hơn trong giao dịch, kiểm soát được tâm lý và phải kỷ luật; chiến lược buy & hold có thể sẽ khó phù hợp với nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn hiện tại.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Tôi vẫn cho rằng chiến lược đầu tư hay đầu cơ nó phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư, không có mẫu số chung. Về cơ bản, trong giai đoạn tới chúng ta có thể kỳ vọng sóng chu kỳ xuất hiện với dòng tiền tăng cao. Với sóng chu kỳ hầu như các cổ phiếu đều tăng giá tốt.
Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách phân tích chiến lược thị trường, CTCK Vietinbank (CTS)
Trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 70%, tập trung vào một số nhóm ngành đã được định giá về mức hấp dẫn sau mùa công bố BCTC quý IV như ngân hàng, chứng khoán hoặc có triển vọng tăng trưởng tốt trong năm 2025 như đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp.