Phát huy truyền thống, xây dựng Lai Châu vững bước vào kỷ nguyên mới
Cách đây 50 năm, ngày 30/4/1975 cả dân tộc Việt Nam vỡ òa trong niềm vui thống nhất đất nước. Chiến thắng mùa xuân ấy là mốc son chói lọi tạc vào lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Chiến tranh đã đi qua, nhưng âm hưởng hào hùng của một thời đánh Mỹ, thắng Mỹ để đất nước trọn niềm vui, Bắc - Nam sum họp một nhà mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng. Phát huy truyền thống, lớp lớp thế hệ người dân Lai Châu hôm nay luôn nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện và cống hiến để xây dựng quê hương vững bước vào kỷ nguyên mới.
Chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc chống Mỹ cứu nước (ngày 17/7/1966) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tăng cường đoàn kết các dân tộc, đoàn kết quân dân, tất cả phục vụ cho sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tỉnh ủy Lai Châu đã phát động phong trào chống Mỹ, cứu nước với khẩu hiệu: “Nhân dân các dân tộc đều đứng dưới bóng cờ chống Mỹ của Đảng”, coi đó là trách nhiệm của các dân tộc đối với Tổ quốc. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hàng vạn con em Lai Châu hăng hái lên đường tòng quân đánh Mỹ với quyết tâm “giết hết giặc Mỹ mới về mường ta”. Trong đó, đã bắn rơi 14 chiếc máy bay và làm bị thương nhiều chiếc khác. Tỉnh Lai Châu còn huy động hàng chục vạn ngày công mở các tuyến đường chiến lược, vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường, giúp bộ đội đào hầm, hào, di chuyển trận địa pháo.
Trong ký ức của cựu chiến binh Khuất Việt Vo ở bản Muông (xã Mường Cang, huyện Than Uyên), những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ là đoạn ký ức không thể quên. Năm 1971, nhập ngũ khi tròn 18 tuổi, ông Vo được phân công vào đơn vị C10, tiểu đoàn 2, Trung đoàn 24, F304; sau đó chuyển sang C25, vận tải trung đoàn, rồi chuyển sang trung đoàn 24, sư đoàn 304 làm nhiệm vụ vận tải đạn, lương thực, thực phẩm lên chốt và vận chuyển thương binh về tuyến sau cứu chữa. Nhiều năm trôi qua, ông Vo vẫn nhớ những con đường, từng con đèo, khúc cua cùng đồng đội hành quân qua. Nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống.
Hồi tưởng những năm, tháng ác liệt đó, ông Vo nghẹn ngào: “Chiến tranh ác liệt, mỗi người lính chẳng ai màng sống chết, cứ có lệnh là xông lên. Nhiệm vụ của tôi và đồng đội là vận tải đạn, lương thực lên chốt, đưa chiến sỹ bị thương về tuyến sau cứu chữa, xung quanh bom đạn của kẻ thù bắn phá ác liệt. Gian khổ, hy sinh là thế, nhưng với một niềm tin đất nước sẽ độc lập, non sông thu về một mối, chúng tôi lại bằng mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Và, đến trưa ngày 30/4/1975, khi đang làm nhiệm vụ ở quận 11, Sài Gòn, nghe tin chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tất cả vỡ òa trong hạnh phúc. Tôi và đồng đội ôm nhau nhảy múa, người tung mũ, người giương cao súng, nước mắt lăn dài hạnh phúc hát vang bài: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Một góc thành phố Lai Châu hôm nay. Ảnh: Ngọc Duy
Có lẽ trong ký ức của ông Vo và những người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung, đó chính là giây phút thiêng liêng, hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Bởi, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành chân lý sáng ngời trong mọi thời đại.
Với những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân các dân tộc Lai Châu 2 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ thưởng luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; 4 tập thể, 5 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Xây dựng quê hương vững bước vào kỷ nguyên mới
50 năm đã trôi qua, song âm hưởng, ý nghĩa của chiến thắng 30/4/1975 vẫn còn vang mãi. Phát huy tinh thần và hào khí của đại thắng mùa xuân 1975, truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đồng tâm nhất trí, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu với quyết tâm cao, đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.
Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, Lai Châu chuyển mình mạnh mẽ. Các tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác tối đa bằng những chính sách đầu tư ưu việt, thông thoáng, cởi mở. Đặc biệt, hình thành và mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, từng bước đưa nông nghiệp trở thành lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Trong đó, có các vùng sản xuất hàng hóa lớn như: lúa chất lượng cao, chè, mắc-ca, dược liệu quý... Lâm nghiệp phát triển bền vững, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 53%. Diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc, với 44/106 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 56,2 triệu đồng/năm. Tỉnh hoàn thành 46/50 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng cao đạt 10,52%. Các cơ sở giáo dục được mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 19,59%. Quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng chặt chẽ, gắn bó. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực; quốc phòng - an ninh giữ vững.
Đồng chí Tống Thanh Bình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lai Châu khẳng định: Phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và khát vọng vươn lên từ chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đến nay, thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ, vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện, khang trang và hiện đại. Thành phố có 136 tuyến phố đạt văn minh, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28% (năm 2024). Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Với những thành tựu đạt được, thành phố Lai Châu đang từng bước khẳng định vị thế là đô thị loại II, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện. Đó là minh chứng sinh động cho một thành phố trẻ năng động, hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của các thế hệ đi trước.
Chứng kiến những thành tựu của quê hương Lai Châu sau 50 năm thống nhất đất nước, chắc hẳn cựu chiến binh Khuất Việt Vo và 1.635 cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đều vui mừng, tự hào. Đồng thời, kỳ vọng thế hệ trẻ tỉnh nhà tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh để nỗ lực học tập, lao động sáng tạo, trau dồi kỹ năng, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm tháng sẽ qua đi, song tinh thần và hào khí của đại thắng, của tháng 4 lịch sử năm 1975 vẫn còn vang mãi trong ký ức của mỗi thế hệ người dân đất Việt. Tinh thần ấy, hào khí ấy sẽ là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.