Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong đường lối, chiến lược của Đảng, nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo, tập hợp đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giành thắng lợi lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó là giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang tiếp tục phát huy cao độ, trở thành động lực của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Những thành tựu đó là kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân, là hình thức tập hợp, biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sau hơn 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết mang nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ở khu dân cư. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để mọi người có cơ hội tìm hiểu và khám phá về truyền thống, phong tục, ngôn ngữ và nghệ thuật của các dân tộc. Các hoạt động văn hóa truyền thống như múa hát, diễn tấu nhạc cụ, trang phục truyền thống và nghệ thuật được trình diễn, tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc. Bên cạnh đó, những hoạt động như phát quà, trao học bổng, xây dựng nhà tình thương ... đã được tổ chức để chia sẻ yêu thương và sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất và đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo nên một mặt trận đoàn kết rộng lớn với sự tham gia của các tầng lớp và các tôn giáo khác nhau trong xã hội. MTTQ Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các tổ chức, chức sắc, người theo tôn giáo và không theo tôn giáo đều đoàn kết, thống nhất trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc..., vận động các tôn giáo cùng tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, MTTQ đã luôn quan tâm đến vấn đề xã hội, phát triển cộng đồng và trở thành một tổ chức chính trị quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.
Năm 2024, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (Yagi) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành hướng dẫn việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 theo hướng đảm bảo an toàn, tiết kiệm, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và khu dân cư. Các hoạt động trong ngày hội đảm bảo tiết kiệm, an toàn, tránh hình thức, lãng phí. Tổ chức Ngày hội có sự tham gia đầy đủ của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư. Nội dung phần lễ tổ chức trang trọng, ngắn gọn; nội dung phần hội tạo không khí vui tươi, đầm ấm và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo của từng địa phương.
Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - MTTQ về Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Nhân rộng các điển hình, tiêu biểu, những việc làm hay, giải pháp sáng tạo trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; gương người tốt, việc tốt và những tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, đất nước... Tùy theo điều kiện của mỗi địa phương có thể lựa chọn hình thức tổ chức cho phù hợp, Ban Công tác Mặt trận chủ trì phối hợp tổ chức theo hình thức liên khu dân cư. Mời toàn thể nhân dân hoặc đại diện các hộ gia đình ở khu dân cư, liên khu dân cư; cán bộ, đảng viên, người lao động; các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, học tập, công tác trên địa bàn; con em quê hương đang công tác, làm ăn xa quê; các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tại địa phương; đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo... trên địa bàn.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn và phát huy. Thông qua Ngày hội, MTTQ Việt Nam đã khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết và truyền thống thi đua yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.