Sẽ bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn riêng cho trẻ em trên ôtô

Trong bối cảnh gia tăng nhanh chóng sở hữu ôtô cá nhân, quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ em trên ôtô sẽ được đẩy mạnh.

Quang cảnh cuộc họp

Quang cảnh cuộc họp

Thiết bị an toàn cho trẻ đã được luật hóa

Chiều nay (15/11), Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp phổ biến những quy định mới trong Luật Trật tự, ATGT đường bộ về bảo đảm an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.

Cuộc họp có các phần tham luận, trao đổi thông tin từ các chuyên gia và đại diện các cơ quan, đơn vị như Cục CSGT; Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng); Hội bảo vệ quyền trẻ em; CHD; các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, cung cấp thiết bị an toàn cho trẻ em tham gia giao thông trên xe ô tô…

Thông tin tại cuộc họp cho biết, Luật Trật tự, ATGT đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 đặc biệt lưu ý đến việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông. Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.

Hiện nay, xu hướng sử dụng ô tô ở nước ta đang tăng nhanh, vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng phương tiện ô tô là vấn đề cần được quan tâm. Những thông tin trao đổi của các chuyên gia, các cơ quan, đơn vị liên quan đến dịch vụ quản lý hoạt động này sẽ cung cấp cho các cơ quan truyền thông những thông tin, quy định mới để định hướng cho người dân hiểu, tuân thủ quy định pháp luật khi cho trẻ em tham gia giao thông trên ô tô.

Trên thế giới, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đã được thực hiện từ nhiều năm qua như một quy định bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, thực trạng việc sử dụng dây đai an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông còn chưa được chú trọng thực hiện.

Trong quá trình cho trẻ em tham gia giao thông trên phương tiện ô tô chưa bảo đảm an toàn, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng (CHD)

Theo khẳng định của đại diện CHD, nếu sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô khi cho trẻ em tham gia giao thông hoàn toàn có thể hạn chế được những nguy cơ đáng tiếc khi có va chạm hoặc sự cố trong quá trình xe lưu thông (khi xe phanh gấp, cha mẹ tập trung lái xe trẻ em hiếu động tự ý di chuyển khỏi vị trí ngồi…).

Đại diện CHD đặt vấn đề: "Làm thế nào để các quy định của Luật trật tự, ATGT đường bộ, trong đó có việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông sớm đi vào cuộc sống, đòi hỏi ý thức của cha mẹ, của người điều khiển phương tiện (lái xe) và của cả cộng đồng.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật phát biểu tại cuộc họp

Đại tá Nguyễn Quang Nhật phát biểu tại cuộc họp

Bên cạnh những quy định, chế tài của luật pháp, việc lựa chọn thiết bị an toàn, bảo đảm chất lượng để lắp đặt trên ô tô dùng cho trẻ em khi tham gia giao thông cũng là vấn đề cần được tuyên truyền rộng rãi.

Luật trật tự, ATGT được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 có điểm mới nổi bật là quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Nội dung này được đánh giá là bước tiến lớn trong việc nâng cao ATGT cho trẻ em tại Việt Nam trong thời gian tới. Quy định này đã góp phần lấp đầy khoảng trống về pháp luật tại Việt Nam trong giai đoạn trước đây.

Một trong những tiến bộ nổi bật trong Luật trật tự, ATGT đường bộ so với các quy định trước đây là quy định: Không cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 m ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có 1 hàng ghế); Phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Cục CSGT

Tốc độ sở hữu ô tô nhanh, nhưng nhận thức chưa tương xứng

Thông tin tại cuộc họp, ThS. Dương Kim Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) cho biết, thực trạng sở hữu ô tô ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Ví dụ tại TP. Hà Nội có tỷ lệ tăng sở hữu xe ô tô con là 113,7%/năm (2014 - 2018) và tỷ lệ sở hữu ô tô con là 60 xe/1.000 dân (2018). Cùng với đó, sự gia tăng nhanh chóng của xu hướng sở hữu xe ô tô ở khu vực ngoài thành phố và nhu cầu di chuyển quãng đường xa của các gia đình có trẻ em. Đây là 2 trong số những yếu tố khiến nguy cơ TNGT liên quan đến ô tô có xu hướng tăng.

Theo ThS. Dương Kim Tuấn, trong khi xu hướng sở hữu ô tô gia tăng nhanh chóng, thực trạng sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em lại không tương xứng, là nguyên nhân khiến thương vong ở trẻ em khi tham gia giao thông trên ô tô gia tăng.

Thống kê của Trung tâm cho thấy, hiện nay chỉ có 1,3% ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ. Trong số đó, 2,6% tại TP. Hà Nội, 1,1% tại TP. Hồ Chí Minh và 0% ở TP. Đà Nẵng. Hầu hết người sử dụng thiết bị an toàn đặc thù là do đã có thói quen khi sử dụng ở nước ngoài hoặc học tập theo nước ngoài.

Một số hình ảnh tại cuộc họp

Một số hình ảnh tại cuộc họp

Lý giải về thắc mắc: "Nếu chỉ đeo dây an toàn 3 điểm được trang bị phổ biến trên ô tô có được không?", ThS. Dương Kim Tuấn cho hay, trẻ em cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi có thể dùng được dây an toàn của người lớn. Trẻ em chỉ có thể dùng dây an toàn khi đủ chiều cao xấp xỉ 150 cm. Bởi các nghiên cứu khoa học đều kết luận rằng, dây an toàn được trang bị trên xe ô tô được thiết kế cho người lớn, có chiều cao từ 150 cm trở lên.

Vì vậy, thiết bị an toàn cho trẻ là giải pháp được khuyến cáo nhằm giảm nguy cơ thương tích và tử vong cho trẻ em.

ThS. Dương Kim Tuấn cho biết, tại một số quốc gia có thu nhập cao đã quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em, áp dụng đối với trẻ em cao dưới 150 cm và dưới 12 tuổi.

Điển hình như Mỹ, luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ từ những năm 1980. Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 4 tuổi giảm 45% từ năm 1975 đến 2017.

Tại Canada, luật bắt buộc từ năm 1976; tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 9 tuổi giảm 60% trong giai đoạn 1979 - 2006. Tại Australia bắt buộc từ năm 1971; tỷ lệ tử vong của trẻ giảm 80% trong giai đoạn 1970 - 2010. Tại Thụy Điển, luật bắt buộc từ năm 1975; tỷ lệ tử vong của trẻ em giảm 90% trong giai đoạn 1970 - 2010.

Thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ em trên ô tô bao gồm nhiều chủng loại, như: Ghế, nôi, đệm ngồi.... thiết kế cho từng lứa tuổi của trẻ

Thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ em trên ô tô bao gồm nhiều chủng loại, như: Ghế, nôi, đệm ngồi.... thiết kế cho từng lứa tuổi của trẻ

Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ từ năm 2020. Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn tăng từ 34% lên 70% sau 1 năm. Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Giao thông Malaysia, quy định này đã giúp giảm 17% số ca tử vong của trẻ em dưới 12 tuổi do TNGT. Chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, giáo dục cộng đồng và tăng cường kiểm soát đã đóng góp vào thành công này.

Tương tự tại Philippines, quy định bắt buộc từ năm 2019 áp dụng với trẻ em dưới 12 tuổi và cao dưới 145 cm phải dùng thiết bị an toàn trên ô tô. Nếu vi phạm, có thể bị phạt tiền từ 1.000 đến 5.000 Peso, tương đương 400.000 đến 2 triệu đồng. Song hành với áp dụng quy định này, chính quyền đã tăng cường nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của thiết bị an toàn; hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp để mua thiết bị an toàn;… Nhờ đó, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn tại Philippines tăng từ 7% đến 40% sau 2 năm.

"Áp dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là biện pháp quan trọng để bảo vệ an toàn cho trẻ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ban hành luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn có thể mang lại hiệu quả tích cực. Việt Nam đã có quy định tiến bộ cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để triển khai các chính sách hiệu quả về thiết bị an toàn", Ths Dương Kim Tuấn nêu.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, bên cạnh việc quy định áp dụng bắt buộc và các tiêu chuẩn kỹ thuật,… nhiều quốc gia chú trọng việc xác định rõ các hành vi vi phạm và mức xử phạt tương xứng. Bài học thành công từ các quốc gia cũng có được nhờ việc thực thi pháp luật. Theo đó, các quốc gia đều tổ chức các đợt kiểm tra, tuần tra thường xuyên để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ts. Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, vấn đề chi phí tuân thủ quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Các tính toán, thống kê đều cho thấy, chi phí mua sắm thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô chỉ chiếm tỉ lệ từ 0,3 đến dưới 1% giá trị của chiếc xe. Mức chi phí tuân thủ đều ở mức phù hợp thực tế.

Vũ Thành Vũ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/se-bat-buoc-su-dung-thiet-bi-an-toan-rieng-cho-tre-em-tren-oto-183241115155155449.htm
Zalo