Phát huy truyền thống, phát triển ngành thông tin và truyền thông ngày càng vững mạnh

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, với khát vọng đổi mới, sáng tạo, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) tỉnh khẳng định vị trí, vai trò của một ngành nhiều lĩnh vực, có tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Phát huy nội lực, tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), từng bước tạo thế và lực mới cho sự phát triển TT&TT trên địa bàn tỉnh.

Năm 2005, Sở Bưu chính, Viễn thông tỉnh được thành lập và chính thức đi vào hoạt động tháng 10/2005. Năm 2008, Sở TT&TT được thành lập trên cơ sở Sở Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về: báo chí, xuất bản, in, phát hành, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT, an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử, chuyển đổi số (CĐS) tại địa phương.

Sở TT&TT ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là ngành tiên phong, dẫn dắt quá trình CĐS. Trong đó, thực hiện chiến lược “đi tắt, đón đầu” để tiếp cận và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 hiệu quả, Sở TT&TT đổi mới phương thức lãnh đạo toàn diện trên tất cả các mặt công tác; chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các quy hoạch, chiến lược, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực, công tác quản lý nhà nước của ngành, tạo được khung cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển sự nghiệp TT&TT trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, CNTT, xuất bản - in có bước phát triển mạnh mẽ, lành mạnh trong trật tự pháp lý; hạ tầng và ứng dụng CNTT của tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, việc xác định phát triển và ứng dụng CNTT, CĐS là khâu then chốt trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Sở TT&TT quan tâm phát triển hạ tầng cơ sở bưu chính, viễn thông, CNTT đồng bộ, rộng khắp. Đến nay, 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh ứng dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử; kết nối liên thông đồng bộ dữ liệu 4 cấp từ Trung ương về cấp xã. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận giải quyết theo hình thức trực tuyến toàn tỉnh đạt trên 81,7%, trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 53,61%. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 82,88%. Có 929/929 cơ sở giáo dục thu học phí không dùng tiền mặt; 531/531 cơ sở y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh đạt 97%. Kích hoạt 307.796 tài khoản định danh điện tử; 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; 100% siêu thị có thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt; 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch và sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và các đại biểu tham quan, trải nghiệm sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tại hội thảo chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và các đại biểu tham quan, trải nghiệm sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, giải pháp chuyển đổi số của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tại hội thảo chuyển đổi số.

Hạ tầng bưu chính, viễn thông, thông tin liên lạc có bước phát triển vượt bậc. Trên địa bàn tỉnh có 1.217 vị trí trạm thu phát sóng di động của 4 nhà mạng phát triển hạ tầng viễn thông, phủ sóng di động 4G, đến nay triển khai phát sóng di động 5G với 32 trạm phát sóng khu vực Thành phố và trung tâm thị trấn các huyện; tổng số thuê bao điện thoại thông minh đạt 85,93%; số lượng hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang đạt 63%. Hoạt động bưu chính, chuyển phát có nhiều đổi mới, mạng bưu chính công cộng được duy trì và phát triển rộng khắp với 174 điểm phục vụ bưu chính theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, kết hợp cung cấp đa dịch vụ thương mại.

Công tác quản lý báo chí tạo thuận lợi để báo chí phát huy tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; kịp thời phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận, tạo sức lan tỏa, đồng thuận xã hội. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương, 2 văn phòng đại diện cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn và 25 phóng viên thường trú, phóng viên phụ trách theo dõi địa bàn của các cơ quan báo, tạp chí Trung ương.

Hoạt động báo chí, truyền thông, phát thanh, truyền hình chuyển dịch nhanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, ứng dụng mạnh công nghệ số, tạo ra sản phẩm truyền thông có chất lượng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thông tin của người dân, góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Cao Bằng đến bạn bè trong và ngoài nước, qua đó thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vào tỉnh.
Đến nay, 100% sở, ngành, địa phương có trang thông tin điện tử; 136/161 xã, phường, thị trấn có hệ thống đài truyền thanh cấp xã với 106 hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT, viễn thông, 30 xã có đài sử dụng công nghệ không dây FM, tỷ lệ cấp xã có đài truyền thanh đạt 84%, tỷ lệ hộ dân được nghe, xem phát thanh, truyền hình đạt 98,5%. Hoạt động xuất bản, in, phát hành đảm bảo đa dạng hóa về hình thức, duy trì mức tăng trưởng ổn định cả về quy mô, chất lượng sản phẩm.

Trong chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn khác nhau, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tên gọi của ngành có sự thay đổi theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng; dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngành TT&TT tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Ghi nhận những đóng góp của ngành với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự nghiệp đổi mới của đất nước, các phòng chuyên môn và nhiều cá nhân, tập thể Sở nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, của các cấp, ngành như Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều cờ thi đua và bằng khen của Bộ TT&TT, UBND tỉnh trao tặng.

Khai trương các nền tảng số tại lễ công bố các nền tảng số: Công dân số Cao Bằng, Nông dân Việt Nam.

Khai trương các nền tảng số tại lễ công bố các nền tảng số: Công dân số Cao Bằng, Nông dân Việt Nam.

Thời gian tới, với những khó khăn, thử thách trước mắt, những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn của bối cảnh đất nước, của tỉnh đang bước vào thời kỳ phát triển mới, ngành TT&TT tiếp tục phát huy thành tích đạt được, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, tạo sức mạnh mới thực hiện tốt các mặt công tác, hoàn thành sứ mệnh của mình trong giai đoạn cách mạng mới, cách mạng CĐS đưa tỉnh bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản:

Một là, định hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hình thành hạ tầng chuyển phát hàng hóa, nhất là hàng hóa cho thương mại điện tử và bán lẻ, phát triển kinh tế địa phương. Quản lý và thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, chú trọng nâng cao chất lượng mạng di động băng rộng, ưu tiên phổ cập mạng 5G trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong giai đoạn tới. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao, đảm bảo kết nối và đáp ứng hạ tầng chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hai là, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát triển các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh trở thành lực lượng “lõi” để lan tỏa thông tin chính thống, dòng chảy chính lên không gian truyền thông. Từ đó định hướng dư luận, tạo sự thống nhất trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tạo không khí chính trị dân chủ để vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Định hướng các doanh nghiệp in ấn, xuất bản chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang ứng dụng công nghệ, mở rộng liên kết chuỗi, phát triển các kênh thương mại điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng và phát triển hệ thống xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh; phát triển văn hóa đọc.

Ba là, đẩy nhanh tiến trình CĐS của tỉnh trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó, trọng tâm là xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu, các nền tảng số của tỉnh bảo đảm kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo động lực phát triển kinh tế số, xã hội số cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Quan tâm đảm bảo an toàn thông tin, tạo sức bật mới để CĐS trở thành động lực cho tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cho nền hành chính phát triển. Đẩy mạnh triển khai hạ tầng thông tin và truyền thông, phủ khắp trên địa bàn tỉnh; ưu tiên đẩy nhanh CĐS đối với các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội gắn với doanh nghiệp và dân sinh.

Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-huy-truyen-thong-phat-trien-nganh-thong-tin-va-truyen-thong-ngay-cang-vung-manh-3175469.html
Zalo