Phát huy truyền thống anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia
Ra đời trong bối cảnh cả dân tộc bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Gia Lai (tiền thân của BĐBP Gia Lai ngày nay) đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bám dân, bám địa bàn trụ vững giữa lòng địch, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh trực diện với kẻ thù. Bước sang giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai luôn phát huy truyền thống anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (hàng đầu, thứ 8, từ phải sang) cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai gặp mặt đội ngũ già làng, người có uy tín trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh. Ảnh: Kiên Quyết
Cách đây 60 năm, trước chiến sự ác liệt trên địa bàn Quân khu V, chiến trường B và yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, ngày 1/3/1965, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh CANDVT đã triệu tập 252 cán bộ, chiến sĩ để tổ chức huấn luyện và chi viện cho chiến trường B, trong đó có 8 đồng chí được chi viện cho tỉnh Gia Lai để thành lập khung an ninh vũ trang tỉnh, lúc này, Tỉnh ủy Gia Lai cũng triển khai thành lập Đại đội An ninh vũ trang. Kết hợp với lực lượng tại chỗ và lực lượng do Bộ Công an chi viện, ngày 15/4/1965, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Gia Lai được thành lập, làm nhiệm vụ bảo vệ các lãnh đạo, các khu căn cứ của tỉnh, diệt ác, trừ gian và xây dựng cơ sở... Từ đó, ngày 15/4 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của BĐBP Gia Lai.
Những ngày mới thành lập, dù sống và chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ác liệt, cả nước gồng mình chiến đấu với kẻ thù xâm lược là đế quốc Mỹ, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Gia Lai đã tiến hành công tác binh, địch vận; phá vỡ nhiều tổ chức tình báo, mật vụ cài cắm; hỗ trợ đắc lực cho các cuộc nổi dậy của quần chúng, phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng; mưu trí, dũng cảm tiến công phá vỡ nhiều căn cứ quân sự, mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy, tiêu diệt nhiều toán thám báo, biệt kích, bảo vệ an toàn căn cứ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh; trực tiếp đào đắp hàng trăm hầm kiên cố, hàng ngàn công sự chiến đấu, di chuyển hàng trăm tấn tài liệu, vũ khí, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho 3 đài liên lạc; diệt 562 tên địch, bắt sống 211 tên; góp phần quan trọng vào giải phóng tỉnh Gia Lai, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước thống nhất, để kịp thời đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, cuối tháng 5/1975, Bộ Tư lệnh CANDVT quyết định thành lập Tiểu đoàn An ninh nhân dân vũ trang tỉnh Gia Lai, thành lập Ban chỉ huy, các cơ quan giúp việc thuộc Ban chỉ huy và các đồn Biên phòng, hình thành hệ thống bảo vệ biên giới của tỉnh. Ngày 20/9/1975, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, UBND cách mạng khu Trung Trung Bộ quyết định hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Theo đó, ngày 26/12/1975, Bộ Tư lệnh CANDVT ra Chỉ thị số 19/BTL hợp nhất CANDVT tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum thành CANDVT tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Trước những tác động phức tạp của tình hình và điều kiện vật chất, trang bị còn khó khăn, thiếu thốn, CANDVT tỉnh tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống, ý chí “Dũng cảm trước địch, vì nước quên thân, trung thành với Đảng, tận tụy với dân”, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tập trung củng cố kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng, triển khai đồn, trạm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; tổ chức lực lượng đấu tranh ngăn chặn, truy quét FULRO, tàn quân khu vực biên giới; đánh bắt các toán phản động, biệt kích, thám báo, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trên khu vực biên giới; cùng với chính quyền xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Kiên Quyết
Đặc biệt là vừa giúp đỡ cán bộ, nhân dân Campuchia sang lánh nạn diệt chủng, vừa tổ chức lực lượng cho cuộc chiến đấu chống quân Khmer đỏ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ để bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều đơn vị đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, tiêu biểu là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 649 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh), mặc dù bị 1 Tiểu đoàn quân Khmer đỏ bao vây suốt 9 ngày đêm, nhưng với tinh thần quả cảm, kiên trì bám trụ, chiến đấu kiên cường với kẻ địch, giữ vững trận địa, ngày 20/12/1979, Đồn Biên phòng 649 đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kết thúc, để thống nhất sự lãnh đạo, chỉ huy đối với lực lượng vũ trang nhằm “Tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược; khả năng bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thời bình cũng như thời chiến”, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 22/10/1979, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ ký Văn bản số 2999/QP-NV chuyển giao nhiệm vụ, lực lượng CANDVT sang Bộ Quốc phòng, trở thành BĐBP do Bộ Quốc phòng chỉ huy, theo đó, CANDVT tỉnh Gia Lai đổi tên thành BĐBP tỉnh Gia Lai.
Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và phương châm “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”; thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai đã thực hiện nhiều chương trình, mô hình, phần việc hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực như: “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng", "Bếp ăn tình thương”.., qua đó, đã chiếm trọn tình cảm, sự tin yêu và quý mến của nhân dân cả nước, làm tỏa sáng phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai đã thể hiện lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, lập nhiều thành tích vẻ vang, tô thắm thêm truyền thống của QĐND Việt Nam anh hùng, rạng ngời phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.
BĐBP Gia Lai đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, hạng Ba; có 3 tập thể vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 6 lượt tập thể, cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng; hàng ngàn lượt tập thể và cá nhân được trao tặng các danh hiệu cao quý khác. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì lần thứ hai; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ “Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai” và Bằng khen cho 3 tập thể, 7 cá nhân.