Chính sách phát triển khoa học, công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 17/4, Phân hiệu Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tại Vĩnh Long tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: 'Chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ở các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia'.

Đại biểu tham gia tham luận tại tọa đàm.
Đến dự có Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh.
Các tham luận tại tọa đàm tập trung vào những nội dung thiết thực cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: vai trò then chốt của bộ ba (khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số) trong phát triển ở các địa phương; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo địa phương; hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số khu vực công; mô hình liên kết liên kết nghiên cứu triển khai và đổi mới sáng tạo giữa Nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp; và kinh nghiệm quốc tế và khát vọng của Việt Nam trong đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng GDP bền vững giai đoạn 2026-2030.
Tọa đàm đặc biệt hướng đến các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với cả nước, các địa phương này vừa thực hiện tái cấu trúc ranh giới hành chính, vừa đẩy mạnh nâng cao năng lực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Thực tiễn cho thấy, các tỉnh, thành phố trong khu vực đang có sự chuyển động mạnh mẽ trong tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và số hóa các lĩnh vực trọng yếu để đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển chung của đất nước.
Tọa đàm nhằm mang lại nhiều đóng góp thiết thực cho việc xây dựng và hoàn thiện chính sách khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại các địa phương. Qua đó, góp phần đưa Nghị quyết 57 vào thực tiễn một cách hiệu quả, đồng bộ và phù hợp với đặc thù phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.